Bẵng đi thời gian dài, nay trở lại Mộc Châu, đi trên những cung đường phẳng lì, lượn quanh những bản làng, những nương đồi xanh bát ngát của cao nguyên huyền thoại được mệnh danh là cửa ngõ chính nối khu vực Tây Bắc với đồng bằng Bắc Bộ, chúng tôi mới cảm nhận được hết sự đổi thay của bức tranh nông thôn huyện miền núi, với sự tô điểm của nhiều gam màu sáng.
Thảo nguyên hiện không còn nơi nào thật sự để gọi là vùng sâu, vùng xa, cũng không còn hộ đói giáp hạt nữa.
Đến nay, toàn huyện chỉ còn 1.049 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,75%; việc xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng tập trung, chuyên canh và tạo việc làm, nâng thu nhập cho người lao động... đã trở thành phong trào thi đua sâu rộng, lan tỏa khắp các xã, phường, bản làng.
Ông Trần Dân Khôi, Bí thư huyện ủy huyện Mộc Châu cho biết: Sở dĩ vùng núi cao đang xích lại gần với thành phố, đồng bằng, không chỉ bởi có đường xá đi lại dễ dàng, có nhiều thắng cảnh độc đáo, hùng vĩ, mà có vai trò rất lớn của công cuộc giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo tiền đề để địa phương tiếp tục vươn lên, cũng như trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước, ngoài nước.
Đúng như nhận định của Bí thư Huyện ủy, thành quả của Mộc Châu đạt được, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị và sự hưởng ứng tích cực của Nhân dân; thì còn có phần đóng góp quan trọng, hiệu quả của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tại địa bàn; đã, tập trung cao độ huy động nguồn lực tài chính và chuyển tải các nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước đến đúng đối tượng và địa chỉ được thụ hưởng, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số vay vốn để chủ động, kịp thời sản xuất, kinh doanh
Giám đốc NHCSXH huyện Mộc Châu, ông Nguyễn Thế Cần, là một trong những gương mặt thân quen, được nhiều đồng bào dân tộc Thái, Mông, Dao… tin yêu bởi sự nhiệt thành, bền bỉ gắn bó với công cuộc giảm nghèo bền vững suốt 2 thập kỷ liền trên thảo nguyên Mộc Châu. Ông Cần chia sẻ, hầu hết 15 chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước do đơn vị triển khai thực hiện, đã và đang phát huy hiệu quả, trở thành công cụ hữu hiệu cho hàng trăm hộ thoát nghèo, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương, giúp ổn định nơi ăn, chốn ở cho nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng sâu, vùng xa, trên vùng cao biên giới.
Xã Chiềng Sơn, nơi sinh sống của đa số đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và có 2 bản biên giới giáp nước bạn Lào Pha Luông. Theo anh Sổng A Chinh, Trưởng bản Suối Thìn (xã Chiềng Sơn), mới ngày nào cuộc sống người dân của bản rất gian nan, thiếu thốn trăm bề, nhưng từ khi được NHCSXH huyện Mộc Châu hỗ trợ, đầu tư hàng chục tỷ đồng vốn ưu đãi, người dân cải tạo nương đồi thành vườn cây ăn quả như mận hậu, hồng giòn, xoài ngọt, với cả làm chuồng trại vững chắc nuôi trâu bò vỗ béo, lợn rừng. Nhờ đó, cuộc sống bản làng vùng cao biên giới thêm no đủ, tươi vui. Minh chứng như hộ nghèo ông Lê Đình Ngao đã sử dụng vốn vay ưu đãi trồng 600 cây hồng giòn, phủ kín cả quả đồi, thu nhập đến trăm triệu đồng/năm
Đến xã Chiềng Hắc cách thị trấn Mộc Châu hơn 20km vào dịp này, chúng tôi cảm nhận niềm vui của người dân nơi đây khi xã hoàn thành chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là kết quả của chặng đường đầy nỗ lực của lãnh đạo, Nhân dân trong xã, đặc biệt ghi nhận sự góp phần thiết thực hiệu quả của dòng vốn tín dụng chính sách. Ông Vi Văn Biên, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nhiều năm qua, nhờ nguồn vốn chính sách, vùng núi cao đã chuyển đổi mạnh mẽ các loại cây trồng, vật nuôi, tăng nhanh sản phẩm, thu nhập. Đời sống vật chất, tinh thần Nhân dân được nâng lên, tạo diện mạo nông thôn miền núi đổi thay từng ngày.
Tiêu biểu có gia đình ông Mùa A Chanh, dân tộc Mông, được mọi người nhắc đến như một hình mẫu giảm nghèo nhất bản Tà Số 1 xã Chiềng Hắc. Gia đình ông hiện đã có cơ ngơi khang trang với đàn bò 6 con béo khỏe, 3 ha cây ăn quả gồm mận hậu, chanh đào, quýt lòng vàng, thu nhập quanh năm, lãi hơn trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí giống má, vật tư, công chăm sóc.
“Hiện tại nhà tôi không còn nghèo nữa, nhưng vẫn được NHCSXH giải quyết cho vay tiếp 100 triệu đồng vốn dành cho hộ mới thoát nghèo để đầu tư mở rộng trang trại vườn, ao, chuồng (VAC). Xin cảm ơn chính quyền, đoàn thể địa phương và NHCSXH huyện Mộc Châu”, ông Mùa A Chanh hồ hởi nói.
Đạt được thành tựu to lớn này, trước hết do lãnh đạo địa phương và NHCSXH cấp trên luôn xác định việc thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Nhờ đó, tín dụng chính sách ở Mộc Châu luôn đạt tốc độ tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước, đến nay đạt tổng nguồn vốn gần 460 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH là 21.625 triệu đồng, do triển khai thực hiện mạnh mẽ Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Toàn bộ nguồn vốn đó đã được cán bộ tín dụng chính sách phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể cơ sở và mạng lưới 257 Tổ Tiết kiệm và vay vốn, chuyển tải đến 15 Điểm giao dịch xã để cho vay trực tiếp đúng từng đối tượng, từng địa chỉ thụ hưởng, góp phần làm cho cao nguyên ngày càng rộng mở, khởi sắc.
Cuộc hành trình của tín dụng chính sách vì an sinh xã hội trên thảo nguyên Mộc Châu vẫn tiếp nối bền bỉ. NHCSXH nơi đây luôn dốc sức, chung lòng, tập trung huy động nguồn lực, chuyển tải nhanh chóng, an toàn nguồn vốn về các làng bản, xã phường, tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 40 của Đảng, phục vụ đắc lực các chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội toàn diện của huyện Mộc Châu - Sơn La.