Tuy nhiên, vẫn nhiều hình ảnh không đẹp, xả rác ra môi trường, chưa quan tâm đến việc phân loại rác thải, gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi.
Còn nhiều “điểm đen” về rác
Đi dọc nhiều tuyến đường tại Thành phố Hồ Chí Minh, không khó để bắt gặp cảnh tượng đủ loại rác nằm vương vãi trên khắp các vỉa hè, miệng cống, bồn cây..., thậm chí chất thành những đống “khổng lồ” bốc mùi hôi thối dù đã có biển báo cấm xả rác. Tương tự, tại nhiều tuyến kênh, rạch cũng xảy ra tình trạng vỏ chai nhựa, thùng xốp, túi ni lông, chất thải sinh hoạt… nằm ngổn ngang phủ kín mặt kênh, lộ rõ dòng nước đen ngòm và nhếch nhác.
Nhiều năm qua, tuyến kênh Hy Vọng dài khoảng 2km, chảy qua phường 15, quận Tân Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) được xem là một trong những “điểm đen” về ô nhiễm của Thành phố do hàng ngày phải tiếp nhận lượng lớn rác sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân xung quanh xả thẳng xuống lòng kênh, trong đó có nhiều loại rác thải cỡ lớn như thùng carton, bình nước máy, thậm chí là nệm giường khiến cống thoát nước bị ùn ứ. Dù các đơn vị vệ sinh môi trường liên tục tổ chức vớt rác nhưng do lượng rác tích tụ quá lớn nên mỗi khi mưa thì nước dưới kênh lại nổi bọt trắng xoá, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Theo chị Nguyễn Thị Thúy, một người dân sống dọc kênh Hy Vọng đoạn gần đường Phan Huy Ích, con kênh ô nhiễm là do sự xả thải của người dân. Chính người dân cũng chịu khổ quanh năm với tình trạng ô nhiễm này. Mùa nắng thì rác thải từ kênh bốc mùi không thể chịu nổi khiến nhiều hộ dân phảì đóng cửa cả ngày. Mùa mưa thì nước dâng đẩy rác ùn ứ dưới lòng kênh lên mặt đường và tràn hết vào nhà dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt. Đây chính là điều kiện lý tưởng để dịch bệnh phát sinh và lây lan nhanh chóng.
Tương tự, những đống rác nằm chất đống hai bên đường, thậm chí là ngay bên cạnh biển “Cấm đổ rác” trên một số tuyến đường như: Lê Trọng Tấn, Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân), Phạm Văn Đồng và Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), tuyến đường sắt ngang qua phường Hiệp Bình Chánh (thành phố Thủ Đức). Theo nhiều người dân sinh sống quanh các khu vực này, rác hai bên đường chủ yếu là rác thải sinh hoạt từ các hộ gia đình; hộp xốp đựng thức ăn, túi nylon và ly nhựa do thực khách của các hàng quán xung quanh bỏ lạ; đôi khi cũng là do người đi ngang qua “tiện tay” vứt lại.
Ông Trần Duy Long, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi Trường thành phố Thủ Đức chia sẻ, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền người dân không vứt rác bừa bãi nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn. Lực lượng công nhân vệ sinh vừa dọn sạch một điểm đổ rác trái phép trong đêm nhưng đến hôm sau là ùn ứ trở lại. Trường hợp người xả rác bị bắt quả tang tại chỗ hoặc thông qua camera ghi hình đều bị phạt theo quy định. Đối với trường hợp lén đổ hoặc người dân từ địa phương khác đến xả rác rất khó xử lý. Nhiều trường hợp người dân địa phương bắt gặp hành vi đổ rác trộm nhưng không kịp phản ứng vì các đối tượng đến và bỏ đi rất nhanh; đồng thời, camera không thể nhận dạng do các đối tượng đeo khẩu trang, đội mũ bảo hiểm, đậu xe ở nơi khuất.
Người dân còn thờ ơ với phân loại rác
Một nguyên nhân khác khiến việc kiểm soát rác thải tại Thành phố Hồ Chí Minh chưa có nhiều chuyển biến là do người dân còn thờ ơ với việc phân loại rác tại nguồn. Việc thí điểm phân loại rác tại Thành phố đã được ngành Môi trường tiến hành từ năm 2018 nhưng đến nay, ngoài một số đơn vị công sở, trường học, siêu thị, cơ sở ăn kinh doanh uống… quan tâm triển khai thực hiện, nhiều hộ dân trên địa bàn Thành phố vẫn chưa thực sự chú ý đến việc phân loại rác tại nguồn.
Tại nhiều khu dân cư trên địa bàn Thành phố, người dân đã quen với việc để chung các loại rác từ vô cơ đến hữu cơ vào cùng một túi đựng rồi tập kết vào các thùng rác cỡ lớn. Một lượng lớn rác thải nhựa, rác khó phân hủy, rác nguy hại đều được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm đất và nước ngầm: đồng thời khiến việc kiểm soát tác động về rác thải của Thành phố trở nên khó khăn.
Chị Trần Thị Xuân Thi (ngụ Quận 7) cho biết, chị từng sinh sống ở nhiều khu nhà trọ nhưng chưa thấy ở đâu thực hiện việc phân loại rác tại nguồn. Dù chính quyền địa phương, các tổ chức về môi trường thường xuyên tổ chức các chương trình vận động, hướng dẫn cư dân phân loại rác nhưng chủ nhà trọ hoặc ban quản lý chung cư lại không thực hiện nghiêm túc, không bố trí thùng rác phân loại chuyên dụng. Nhiều cư dân cũng chưa có tính tự giác, ngại phân loại nên đều để chung các loại rác với nhau. Với những gia đình đông thành viên, diện tích nhà nhỏ, việc phân loại rác càng trở thành thứ yếu vì không gian sinh hoạt còn chưa đủ nên không có chỗ đặt thùng rác phân loại và không có thời gian phân loại rác.
Theo ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, việc phân loại rác tại nguồn thành 3 loại (rác hữu cơ dễ phân hủy, rác tái chế và rác không tái chế) góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí cho công tác thu gom và xử lý rác thải. Theo đó, rác hữu cơ dễ phân hủy sẽ tận dụng làm phân compost; rác tái chế sẽ được bán lại cho cơ sở tái chế; rác không có khả năng tái chế sẽ được đưa đi xử lý tại các khu xử lý rác thải tập trung, tránh việc để rác nhựa, rác nguy hại bị xử lý không đúng cách, gây tổn hại đến môi trường.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, điểm đến của lượng rác thải dù đã được phân loại hay chưa cũng đều là những bãi chôn lấp. Nguyên nhân là do công tác thu gom còn nhiều bất cập. Ông Huỳnh Minh Nhựt cho biết, việc thu gom rác thải sinh hoạt tại các khu phố, khu dân cư, đặc biệt là những khu dân cư trong hẻm tại Thành phố hầu hết do các đơn vị thu gom rác dân lập đảm nhiệm. Trong khi đó, trang thiết bị cũng như hình thức quản lý của lực lượng thu gom rác dân lập đã quá lạc hậu. Một số lượng lớn phương tiện thu gom không có vách ngăn chia các loại rác cần phải chuyển đổi. Như vậy, ngay cả khi người dân có ý thức thực hiện phân loại rác tại nguồn thì tất cả rác cũng chỉ được tập kết đến cùng một bãi chôn lấp và được các nhân viên vệ sinh trộn chung lại đem chôn. Việc này khiến nhiều người dân đặt câu hỏi phân loại rác để làm gì nếu không có phương tiện chuyên chở và phân loại riêng.
Trước thực trạng này, Thạc sỹ Dương Nhật Linh, Giảng viên khoa Công nghệ sinh học, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, muốn thay đổi ý thức của người dân trong việc phân loại rác thải tại nguồn, trước hết cơ quan có thẩm quyền cần tạo niềm tin cho người dân bằng việc rác được thu gom sẽ được chở đến những nơi cần được xử lý. Thành phố cần có quy chuẩn hoạt động cho các mô hình thu gom rác dân lập, tránh việc mỗi tổ chức, cá nhân hoạt động mỗi kiểu khác nhau, dẫn đến chất lượng công việc không đồng đều như hiện nay.
Theo thạc sỹ Dương Nhật Linh, một giải pháp khác để việc xử lý rác đã qua phân loại được hiệu quả hơn là xây dựng nhà máy đốt rác phát điện. Tuy nhiên đến thời điểm này, hầu hết các nhà máy vẫn đang “nằm chờ” thủ tục pháp lý. Hiện nay, khi hơn 60% lượng rác thải mỗi ngày của Thành phố vẫn xử lý bằng phương pháp chôn lấp là chính thì việc thuyết phục người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn rất khó.
Bài cuối: Tìm giải pháp đột phá quản lý rác thải