Tây Ninh phục hồi kinh tế sau đại dịch - Bài cuối: Hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động

2 năm trước 162
Chú thích ảnhNhà máy sản xuất lốp ô tô của Công ty TNHH Sailun Việt Nam,  Khu công nghiệp Phước Đông, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Thực hiện kịp thời các chính sách

Ngay sau đại dịch COVID-19, thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động của Chính phủ, tỉnh Tây Ninh triển khai thực hiện chính sách hướng đến hỗ trợ người lao động đang ở trọ, thuê nhà được hỗ trợ là 500.000 đồng/tháng. Bên cạnh đó, hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc để góp phần phục hồi kinh tế, nhóm người lao động này được hỗ trợ là 1 triệu đồng/tháng. Cả hai nhóm mỗi người lao động được hỗ trợ tối đa 3 tháng.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Nhiên - Đặng Khánh Duy cho biết, công ty luôn xác định phải duy trì việc làm để ổn định đời sống người lao động. Theo đó, công ty có những chính sách hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn cho người lao động trong doanh nghiệp. Trong quá trình sản xuất, công ty chú trọng đến việc điều tiết công việc, sắp xếp giờ giấc linh hoạt để đảm bảo sức khỏe và tâm lý thoải mái cho người lao động. Đối với lao động nữ, chị em công nhân có thể vào công ty trễ hơn mọi người để dành thời gian đưa đón con đi học, chủ yếu là đảm bảo hiệu quả công việc. Còn vị trí đứng máy sản xuất trực tiếp, công ty duy trì chế độ làm việc 2 - 3 giờ/ca để xoay “tua”, giúp giảm bớt áp lực công việc cho người lao động.

Chị Lê Thị Trúc Phương, công nhân Công ty TNHH Tân Nhiên, chia sẻ: “Tôi làm ở đây gần ba năm, nguồn hàng đều nên thu nhập của tôi luôn ổn định. Nhờ đó, đời sống kinh tế gia đình khá dần lên, tôi cũng vẫn có thời gian chăm sóc con cái. Công ty cũng đảm bảo đầy đủ các chế độ phúc lợi, có bảo hiểm xã hội, hỗ trợ tiền cơm trưa; các dịp lễ, Tết, công ty đều có quà cho công nhân… Thu nhập bình quân của công nhân trong công ty bình quân 9 - 10 triệu đồng/tháng, nhiều người siêng năng có tháng còn thu nhập mười mấy triệu đồng”.

Tại Khu công nghiệp Phước Đông, huyện Gò Dầu, không những đa dạng về ngành nghề mà còn phát triển mạnh về cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nơi làm việc và hỗ trợ đầy đủ các nhu cầu thiết yếu cho người lao động như: ký túc xá, bệnh viện, trường học, siêu thị…

Về hỗ trợ người lao động, Công ty TNHH Sailun Việt Nam chuyên sản xuất lốp ô tô, thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, gặp gỡ cho nhân viên, công nhân trong công ty để cùng nhau học hỏi, nâng cao tay nghề. Chị Trần Thị Cẩm Tiên, Phó Giám đốc Quản trị sản xuất cho biết, chị đã làm gần 10 năm nay trong công ty và thấy rằng ở đây mức thu nhập luôn ổn định, phúc lợi xã hội cho công nhân được đảm bảo. Môi trường làm việc cũng thuận lợi, có một đội ngũ kiểm tra thường xuyên tình trạng các loại máy móc nhằm đảm bảo an toàn lao động tuyệt đối cho công nhân.

Tại Công ty TNHH CCGrass Việt Nam, Tổng Giám đốc Han Zhi Cheng cho biết, công ty tiếp tục tuyển thêm 20% công nhân so với hiện tại nhằm đạt kế hoạch tăng trưởng 20% sản lượng trong năm 2023. Việc tuyển dụng lao động dự báo sẽ không gặp khó khăn khi nguồn lao động tại chỗ dồi dào. Đặc biệt, nhờ những chính sách, chế độ hỗ trợ lao động tốt nên lao động địa phương, thậm chí từ nhiều nơi khác đều muốn tham gia ứng tuyển vào công ty.

Tạo thêm lực đẩy cho doanh nghiệp

Vừa qua, UBND tỉnh Tây Ninh đã phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển. Trong số đó, tỉnh tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực liên kết sản xuất và kinh doanh, hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn đánh giá toàn diện năng lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị (không quá 30 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp). Tỉnh hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn cải tiến, nâng cấp kỹ thuật chuyên sâu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm cải thiện năng lực sản xuất, đáp ứng yêu cầu kết nối, trở thành nhà cung cấp của doanh nghiệp đầu chuỗi (không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp).

Tỉnh Tây Ninh cũng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu, kết nối và mở rộng thị trường và đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đào tạo nghề, hướng dẫn các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp. Đối tượng áp dụng cho lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tối thiểu 6 tháng liên tục.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc, tỉnh còn ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề đối với người lao động thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh và người lao động làm việc trong các doanh nghiệp hoạt động ở các địa bàn nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các doanh nghiệp do nữ làm chủ.

UBND tỉnh Tây Ninh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh như: các khóa đào tạo về khởi sự kinh doanh; các chương trình đào tạo hướng dẫn về lập phương án sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi từ hộ kinh doanh; quản trị doanh nghiệp và các chương trình hỗ trợ đào tạo theo quy định.

Nguồn bài viết