Tuyến đường vành đai 4 đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong liên kết vùng Thủ đô

2 năm trước 357

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể chủ trì hội nghị.

Chú thích ảnhBí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể chủ trì hội nghị. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phát biểu gợi mở thảo luận tại hội nghị, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh việc tổ chức hội nghị cho định hướng chủ trương, quy hoạch và đầu tư tuyến đường vành đai 4 – vùng Thủ đô trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; không chỉ khắc phục tình trạng quá tải về giao thông, giúp mở rộng không gian, nguồn lực phát triển, khả năng liên kết, giao thương hàng hóa với các tỉnh lân cận trong Vùng Thủ đô cũng như Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ mà còn giúp Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang... từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch; tạo điều kiện để Hà Nội và các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội cả khu vực đô thị và nông thôn, thu hút đầu tư phát triển mạnh mẽ.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, vùng Thủ đô Hà Nội là vùng phát triển kinh tế tổng hợp với thành phố Hà Nội là hạt nhân trung tâm của vùng Thủ đô bao gồm 10 tỉnh, thành phố trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Một trong những điểm nổi bật đã thực hiện được trong thời gian qua đó là phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông khung của vùng Thủ đô để vận chuyển hành khách, hàng hóa thông thương nội vùng và liên vùng, trong đó phải kể đến 7 tuyến cao tốc hướng tâm của vùng Thủ đô đã được đầu tư hình thành, bao gồm Hà Nội – Lào Cai; Hòa Lạc – Hòa Bình; Hà Nội – Thái Nguyên; Hà Nội – Hải Phòng; Cầu Giẽ Ninh Bình; Đại Lộ Thăng Long; Nội Bài – Bắc Ninh, cũng như cải tạo, mở rộng sân bay quốc tế Nội Bài…

Ông Dương Đức Tuấn nhấn mạnh bên cạnh các trục hành lang kinh tế theo các trục hướng tâm như đã nêu thì quy hoạch vùng Thủ đô cũng đã xác định 2 tuyến đường giao thông vành đai liên kết vùng (vành đai 4 và vành đai 5) có vai trò liên kết toàn bộ các trục hướng tâm, phân bổ theo các hướng của vùng Thủ đô. Tuy nhiên hai tuyến đường vành đai này chưa được đầu tư hình thành đảm bảo tính kết nối và vai trò tuyến đường vành đai phân bổ theo các hướng của vùng Thủ đô đang được dồn về cho tuyến đường vành đai 3 chịu trách nhiệm. Điều này dẫn tới các cửa ngõ giao thông ra vào thành phố và các nút giao giữa các trục hướng tâm với đường vành đai 3 hiện nay thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, điển hình là khu vực cửa ngõ phía Nam thành phố.

Để sớm triển khai đường vành đai 4 – vùng Thủ đô với chiều dài khoảng 98 km đi qua 14 quận, huyện thuộc 3 tỉnh, thành, Hà Nội đã chủ động tổ chức nghiên cứu rà soát quy hoạch, phương án đầu tư. Trên cơ sở rà soát, thành phố đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang là những tỉnh liên quan có ý kiến đóng góp để thống nhất một số quan điểm trình Thủ tướng như: Triển khai dự án theo hình thức hỗn hợp đầu tư công, phương thức PPP, loại hợp đồng BOT; thành phố Hà Nội chủ trì phối hợp cùng các địa phương có tuyến đi qua tổ chức nghiên cứu, triển khai đầu tư toàn tuyến; bổ sung quy hoạch thành phần đường cao tốc đi trên cao; các địa phương có tuyến đi qua chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng theo các dự án riêng trên địa bàn.

Về cơ cấu nguồn vốn, ông Dương Đức Tuấn cho biết dự kiến đề xuất Trung ương hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 25.000 tỷ đồng cho 3 địa phương Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Các địa phương có tuyến đi qua ưu tiên bố trí vốn ngân sách tham gia một phần kinh phí đầu tư xây dựng phần đường dưới thấp (dự kiến 50.000 tỷ đồng/3 địa phương). Toàn bộ kinh phí còn lại (ngoài phần kinh phí Trung ương và địa phương cân đối bố trí khoảng 50%) là phần vốn của nhà đầu tư BOT (khoảng 50%).

Bà Đào Hồng Lan, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh phát biểu bày tỏ sự quyết tâm, mong muốn được xây dựng tuyến đường này và tỉnh gửi gắm niềm tin để thành phố Hà Nội chủ trì xây dựng dự án trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tỉnh Bắc Ninh có diện tích khá nhỏ, trong lúc phát triển công nghiệp rất lớn và theo quy hoạch được phê duyệt đến năm 2030 tỉnh Bắc Ninh sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy, Bắc Ninh rất cần kết nối vùng, mở ra không gian phát triển tốt trong nay mai.

Tuy nhiên, bà Đào Hồng Lan lưu ý, khi tuyến đường vành đai 4 đi qua Bắc Ninh sẽ giao cắt với đường quốc lộ 38, quốc lộ 17 và 4 đường tỉnh lộ, có 9 nút giao cắt. Vì vậy, tỉnh đề nghị khi xây dựng dự án vành đai 4 đi qua cần tính toán phương án, cầu đường kết nối với các điểm giao cắt này, để không xảy ra tình trạng phương tiện không lên xuống được, dẫn tới phải đầu tư bổ sung tốn kém.

Ông Đỗ Tiến Sỹ, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên cho biết, việc xây dựng tuyến đường vành đai 4 là niềm vui mừng, phấn khởi được tỉnh chờ đợi từ lâu. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không ít lo lắng bởi khối lượng công việc nhiều và khó khăn. Hiện nay và trong tương lai gần Hưng Yên có các khu đô thị lớn cận kề với Thủ đô đang thu hút lượng người Hà Nội sinh sống trên địa bàn lớn, nên việc kết nối mở thêm đường hướng tâm đi qua tỉnh là rất cần thiết. Trong nay mai tỉnh sẽ xây dựng tuyến đường rộng 70 m hướng dọc sông Hồng giao cắt với tuyến đường vành đai 4 và vành đai 3,5 sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi trong đi lại và phát triển kinh tế cho tỉnh…

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đánh giá thành phố Hà Nội đã có tinh thần, trách nhiệm cao trong việc đề xuất làm dự án mới, rất phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, với sự phát triển kinh tế rất lớn của vùng Thủ đô thì việc triển khai nghiên cứu và trình dự án quan trọng vành đai 4 ở thời điểm này cũng là chậm so với yêu cầu. Việc phát triển các đường cao tốc thì tỉnh nào cũng cần, nhưng nếu so sánh thì tuyến đường vành đai 4 là quan trọng bậc nhất vì nó sẽ góp phần liên kết vùng giữa Hà Nội với nhiều tỉnh liên quan.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, nếu không quyết tâm đẩy nhanh, làm sớm, nhất là công tác đền bù giải phóng mặt bằng thì về sau càng khó khăn và giá cả đội lên rất cao. Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải rất ủng hộ chủ trương xây dựng tuyến đường này, tới đây Hà Nội và các tỉnh cần đẩy nhanh thủ tục để sớm trình Thủ tướng Chính phủ; Bộ cũng đồng tình việc kiến nghị Chính phủ cho phép giải phóng mặt bằng một lần, ngay tức khắc, tránh kéo dài nhiều đợt, ách tắc dự án và chi phí phát sinh tăng cao. Bộ nhất trí cao với đề xuất của Hà Nội trình Thủ tướng quyết định việc hỗ trợ ngân sách cho địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng và nếu khi ngân sách Trung ương chưa thể đáp ứng ngay thì cho phép các địa phương tạm ứng trả trước.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị Hà Nội lựa chọn các đơn vị thì công, tư vấn thiết kế có nhiều kinh nghiệm, năng lực để triển khai dự án; đồng thời trước khi làm cần có sự cân nhắc, nghiên cứu thật kỹ lưỡng để đảm bảo tính khoa học, hiệu quả của dự án và có sự điều chỉnh kịp thời.

Phát biểu kết luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá, với tinh thần trách nhiệm cao, hội nghị đã nhận được nhiều phát biểu sâu sắc, tâm huyết của các đồng chí lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo các tỉnh, đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội và các đại biểu dự hội nghị đều đồng tình với sự cần thiết và thể hiện quyết tâm sớm trình cấp có thẩm quyền chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội để kết nối đồng bộ, tăng cường năng lực, giải phóng ùn tắc giao thông; đồng thời mở rộng không gian phát triển, khai thác các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, để có cơ sở tổ chức triển khai thực hiện dự án tuyến đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô trong thời gian tới, các nội dung thống nhất tại hội nghị hôm nay sẽ được cụ thể hóa tại bản thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Giao thông vận tải với 5 tỉnh, thành phố và dự thảo Tờ trình của các tỉnh, thành phố đồng trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn bài viết