Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, khoa học và công nghệ ở một số lĩnh vực của địa phương đạt trình độ tiên tiến trong nước và khu vực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Trong đó, trên 80% các kết quả nghiên cứu được ứng dụng trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh, trong quản lý nhà nước, cải cách hành chính; 100% kết quả nghiên cứu được chuyển giao, ứng dụng phục vụ xây dựng chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh; khoa học, công nghệ thông qua năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp trên 50% vào tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, địa phương xây dựng nhiều nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm có tiềm năng, lợi thế, đặc thù; giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt khoảng 25%/năm. Địa phương cũng đầu tư xây dựng 1 trại thực nghiệm phục vụ nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ sinh học, công nghệ cao và chọn tạo giống.
Tỉnh phát triển tổ chức khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ quan trọng của tỉnh; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại cho các cơ sở nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ cao. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, có trên 2.000 cán bộ trình độ sau đại học; trong đó có trên 100 cán bộ đạt trình độ tiến sĩ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Thanh Bình cho biết, để đạt những mục tiêu trên, Trà Vinh đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Cùng với công tác tuyên truyền, tỉnh xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật thúc đẩy phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sinh học, công nghệ số, phát triển sản phẩm chế biến trong nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị, có lợi thế cạnh tranh, thân thiện với môi trường.
Tỉnh huy động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh xây dựng cơ sở vật chất, phát triển nguồn nhân lực, bổ sung cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, nhất là các chuyên gia đầu ngành về công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới đến làm việc trong tỉnh.
Địa phương phát triển Trường Đại học Trà Vinh đạt chuẩn trong bảng xếp hạng top đầu Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, đẩy mạnh kết hợp công tác giảng dạy với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tỉnh định hướng quy hoạch phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực hiện đầu tư 1 trại thực nghiệm phục vụ nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ sinh học, công nghệ cao, chọn tạo giống cho tỉnh; xây dựng các nhóm nghiên cứu khoa học và công nghệ mạnh, hạ tầng thông tin và thống kê về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp cận trình độ hiện đại các nước tiên tiến trong khu vực.
Bên cạnh đó, Trà Vinh phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo về khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh hợp tác trong và ngoài nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tỉnh tăng cường hợp tác với các viện, trường đại học, trung tâm nghiên cứu, các nhà khoa học nhằm nghiên cứu, đào tạo, tư vấn để tiếp cận, chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến; xây dựng chính sách thu hút chuyên gia nước ngoài tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ cho tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh Lâm Thái Hùng cho biết, phát triển khoa học công nghệ cùng với việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng, giải pháp mang tính quyết định trong nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng, làm gia tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Từ năm 2021 - 2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai thực hiện 70 đề tài, dự án, trong đó 62 đề tài, dự án cấp tỉnh. Đến nay, 32 đề tài, dự án đã được nghiệm thu. Ngành đã chuyển giao kết quả nghiên cứu 23 đề tài, dự án đến các sở, ban, ngành, UBND các địa phương, các đơn vị liên quan; trong đó đã có 15 đề tài được ứng dụng thực tế vào hoạt động sản xuất kinh doanh.