Gần 5.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

2 tháng trước 38
Chú thích ảnhThừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn trao Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 cho Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Văn Giang, ngày 30/8. Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN

Tỉnh Hưng Yên đặt mục tiêu đến cuối năm 2024, tất cả xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 30% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có 2 huyện được công nhận huyện nông thôn mới nâng cao. Hiện tỉnh đang nỗ lực duy trì và nâng cao chất lượng, chú trọng các tiêu chí để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời sử dụng nguồn vốn ngân sách có hiệu quả nhằm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam cho biết, để đạt mục tiêu đề ra tỉnh đề nghị các địa phương tiếp tục huy động nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh ưu tiên công trình, dự án có động lực thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; nhu cầu cấp thiết của người dân; thường xuyên quan tâm tới bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn.

Đồng thời, tỉnh chú trọng đầu tư trực tiếp cho các chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, tập trung xử lý các điểm nóng về trật tự xã hội nông thôn; tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội ở nông thôn, hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất để thoát nghèo bền vững.

Theo ông Nguyễn Hùng Nam, tỉnh Hưng Yên tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất theo chuỗi, giá trị tăng cao và hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; thí điểm xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Cùng đó, tiếp tục triển khai Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có hiệu quả; phát triển các ngành nghề nông thôn, kinh tế tư nhân, kinh tế hộ, kết hợp dịch chuyển dần lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang các khu vực kinh tế khác; xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, dự án về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Đỗ Minh Tuân chia sẻ, đến nay, tỉnh Hưng Yên có 102/139 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 160 khu dân cư được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Vừa qua, huyện Văn Giang đã được Thủ tướng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Đây cũng là địa phương đầu tiên của tỉnh Hưng Yên công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Ông Đỗ Minh Tuân cho rằng, bên cạnh những kết đã đạt được, việc triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chất lượng đạt chuẩn và duy trì bền vững kết quả của một số xã đạt chuẩn còn hạn chế. Cùng đó, chất lượng công trình dự án về cơ sở hạ tầng sau khi đạt chuẩn ở một số địa phương đã có dấu hiệu xuống cấp sau nhiều năm đưa vào sử dụng dẫn đến chất lượng của một số chỉ tiêu trong các Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới vẫn còn thấp, nhất là một số cơ sở hạ tầng như giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, Trạm y tế…

Trong khi đó, giai đoạn 2023-2025, tỉnh Hưng Yên không được nhận sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương, do đó ngân sách địa phương phải tự chủ động cân đối, bố trí vốn và huy động các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ các huyện, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới để tiếp tục phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đáng chú ý, nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vẫn chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách cấp huyện, xã từ nguồn thu sử dụng đất (xử lý đất dôi dư, xen kẹp và đấu giá quyền sử dụng đất) và nhân dân đóng góp.

Theo ông Đỗ Minh Tuân, nhằm tiếp sức cho các địa phương sớm về đích và tiếp tục chinh phục những mục tiêu mới trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, ngày 7/12/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên đã ban hành Nghị quyết số 415/NQ-HĐND thông qua chủ trương phương án sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ các xã đầu tư cơ sở hạ tầng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên.

Theo đó, trong giai đoạn 2024-2025, tỉnh Hưng Yên dành trên 1.300 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách để hỗ trợ các xã đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng nông thôn mới. Trong số đó, tỉnh ưu tiên hỗ trợ các xã có tiêu chí về cơ sở hạ tầng còn thấp, chưa đạt nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời, ưu tiên hỗ trợ các xã đạt nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tiếp tục hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí đã đạt nhưng mức đạt của một số chỉ tiêu còn thấp, chưa đảm bảo yêu cầu theo các Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, trong giai đoạn 2024-2025, nguồn vốn ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ đầu tư 24 công trình trường học (232 phòng học và nhà hiệu bộ, nhà đa năng); 185 công trình giao thông (đường, cầu giao thông nông thôn với chiều dài khoảng 220km); 14 công trình nhà văn hóa và 4 trạm y tế.

Nguồn bài viết