Theo kế hoạch, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ đầu tư hỗ trợ chuyển đổi sản xuất tập trung tại 3 vùng trồng lúa hiện hữu bấp bênh, kém hiệu quả kinh tế do bị tác động xấu biến đổi khí hậu về hạn, mặn. Cụ thể, vùng sản xuất tại 2 xã đảo Long Hòa, Hòa Minh, huyện Châu Thành, có diện tích đất nông nghiệp khoảng 4.630 ha của hơn 5.900 hộ dân chuyên trồng lúa 1 vụ lúa chuyển sang 1 vụ lúa hữu cơ - 1 vụ tôm.
Vùng sản xuất tại các xã Thuận Hòa, Mỹ Hòa, Vinh Kim, Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang, có diện tích đất trồng lúa 1 vụ bấp bênh khoảng 1.000 ha của 1.800 hộ dân được chuyển sang 1 vụ lúa hữu cơ - 1 vụ tôm.
Vùng sản xuất xã Long Khánh, huyện Duyên Hải và xã Long Hữu, thị xã Duyên Hải có diện tích đất nuôi tôm quảng canh và bán thâm canh khoảng 1.500 ha của hơn 1.000 hộ dân thường bị rủi ro thua lỗ được chuyển sang mô hình tôm - rừng để đảm bảo hiệu quả bền vững..
Ông Lê Quang Răng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết, các vùng sản xuất được ngành nông nghiệp bố trí thực hiện chuyển đổi sản xuất đều có điều kiện khó khăn về kết cấu hạ tầng thường bị khô hạn, xâm nhập mặn và triều cường hiện quả kinh tế đem lại thấp.
Tại các vùng được bố trí chuyển đổi sản xuất sẽ được ngành nông nghiệp tỉnh đầu tư đảm bảo về thủy lợi phục vụ sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông dân được nâng cao năng lực quản lý, trồng trọt, nuôi thủy sản với phương thức kỹ thuật tiên tiến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm sạch với giá trị tăng cao từ 10 - 15% so với sản phẩm sản xuất bình thường.
Ông Nguyễn Văn Huệ, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng lúa hữu cơ ấp Xẻo Ranh, xã Long Hòa, huyện Châu Thành cho biết, mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng xanh ở xã Long Hòa là phương thức chuyển đổi cơ cấu sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân trong những năm gần đây.
Bình quân, trên diện tích 1 ha sản xuất, với nguồn thu từ lúa hữu cơ, sản lượng tôm càng xanh nuôi cho thu hoạch khoảng 500 kg/vụ, nông dân thu lãi ròng từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm.
Mô hình sản xuất này vừa bảo vệ môi trường, cung ứng sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, đảm bảo tính bền vững so với nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo phương thức bán thâm canh và thâm canh nhiều rủi ro do nuôi tôm 2 - 3 vụ/năm.
Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh, 3 năm gần đây, nhiều nông dân trong tỉnh đã tự chuyển đổi đất trồng lúa 1 vụ bấp bênh và đất nuôi tôm bán thâm canh sang mô hình sản xuất rừng - tôm, rừng - tôm - cá khoảng 5.700 ha và mô hình lúa - tôm, lúa - cá với diện tích khoảng 5.600 ha sản xuất sạch. Thu nhập bình quân của mô hình sản xuất này đem cho nông dân từ 90 - 120 triệu đồng/ha/năm.