Trà hoa vàng - cây 'đổi đời' của người dân Ba Chẽ

2 năm trước 157
Chú thích ảnhChị Triệu Kim Liên, thôn Làng Cổng xã Đồn Đạc huyện Ba Chẽ phát quang các gốc cây. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Nhận thấy giá trị của trà hoa vàng, năm 2010 bà con đồng bào trên địa bàn đã trồng thành vùng tập trung. Đến nay, với những đặc tính vượt trội cho sức khỏe người tiêu dùng, được các tổ chức khoa học nghiên cứu và đánh giá, trà hoa vàng đã trở thành cây “đổi đời” của người dân Ba Chẽ với giá bán hoa khô dao động từ 13-15 triệu đồng/kg.

Cây vàng trên đất khó

Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, người dân huyện Ba Chẽ thường xuyên hái lá, nụ và hoa trà hoa vàng trong rừng tự nhiên để dùng, giúp tăng cường sức khỏe hoặc bán ra thị trường với giá cao, khoảng từ 13-15 triệu đồng/kg hoa sấy khô, hoa tươi thu mua với giá trung bình 600.000 đồng/kg, lá tươi có giá 50.000 đồng/kg, lá khô là 300.000-500.000 đồng/kg.

Hiện nay, toàn huyện có khoảng 200 ha; trong đó, tập trung chủ yếu ở các xã Đồn Đạc, Đạp Thanh, Thanh Lâm, Thanh Sơn, Nam Sơn và Lương Mông. Đến nay đã có khoảng 100 ha cho thu hoạch. Sản lượng thu hoạch hoa trà hoa vàng tươi bình quân 20 tấn/năm; lá trà hoa vàng tươi 65 tấn/năm. Doanh thu từ cây trà hoa vàng trên địa bàn huyện đạt khoảng trên 20 tỷ đồng.

Với giá trị kinh tế của cây trà hoa vàng cùng với sự hỗ trợ từ chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình 135, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã trồng tập trung giống cây này. Sau hơn 10 năm được phát triển, trà hoa vàng đã mang lại đời sống kinh tế ổn định cho các hộ dân tham gia trồng. Nếu như năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của huyện là 17,5 triệu đồng đến năm 2022 đạt 55 triệu, tăng trên 37 triệu đồng/người/năm.

Ông Triệu Quý Bảo, thôn Bắc Cái, xã Đồn Đạc - một trong những người dân vừa trồng và ươm giống trà hoa vàng cho biết: Hiện ông đang cho ươm giống chè hoa vàng, nếu  bán giá sỉ mỗi cây cao từ 15- 20cm có giá khoảng 20 nghìn đồng, sau 1 năm sẽ cho ra hoa.

Theo ông Bảo, trước đây gia đình ông chuyên trồng cây quế, cây sa mộc và keo nhưng bây giờ trồng trà hoa vàng cho hiệu quả kinh tế cao hơn, hàng năm đều cho thu hoạch. Bình quân 1 cây trà cho thu từ 1-2 kg hoa tươi/năm, tương đương khoảng 1 triệu đồng/cây năm. Việc chăm sóc trà hoa vàng không quá khó khăn, người dân nên trồng ở dưới các cây có tán rộng, phát quang xung quanh gốc trà, chăm bón bằng các loại phân hữu cơ…

Cũng như ông Bảo, gia đình chị Triệu Kim Liên, thôn Làng Cổng xã Đồn Đạc cho biết, gia đình chị trồng gần 600 gốc trà hoa vàng và mới thu hoạch được 3 năm gần đây, từ khi gia đình trồng cây này thì lợi ích kinh tế cao rất nhiều so với trồng các cây khác. Tuy nhiên do số lượng cây không có nhiều nên mỗi năm cũng cho thu nhập được khoảng 400 triệu đồng. Chị Liên chia sẻ năm nay sẽ chiết cành để trồng thêm và mong muốn giá bán và đầu ra ổn định.

Cây “đổi đời” với nhiều hoạt chất “vàng”

Chú thích ảnhHoa của trà hoa vàng khi chưa cho thu hoạch. Hiện nay địa phương đang làm thủ tục cho tỉnh thẩm định để báo cáo Trung ương phát triển sản phẩm chè hoa vàng thành danh hiệu cấp quốc gia. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Qua trao đổi điện thoại với Phó giáo sư, Tiến sỹ Đặng Thị Cẩm Hà, nguyên Trưởng phòng Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam), là người đã gắn bó, nghiên cứu về các hoạt tính sinh học của cây trà hoa vàng huyện Ba Chẽ khoảng 8 năm qua, bà Hà khẳng định, trà hoa vàng là một loại cây rất tốt, từ lá và hoa trà đều có những hoạt chất tốt có lợi cho sức khỏe, tùy theo định lượng, cách sử dụng của từng người.

Bà Hà phân tích cây trà hoa vàng được trồng ở vùng đồng bào miền núi Ba Chẽ trên nền đất ít tạp chất, chưa bị tác động nhiều bởi hóa chất nên sản phẩm không bị ảnh hưởng bởi hóa chất. Đối với trà hoa vàng chỉ cần pha với nước từ 80 độ trở lên đã tiết ra nhiều các hoạt chất có lợi mà không cần phải sử dụng các biện pháp phức tạp khác. Tuy nhiên với phụ nữ có thai không được sử dụng trà hoa vàng và mỗi người không nên sử dụng quá 3gam lá hoặc hoa trong 1 ngày.

Năm 2019, để xác định được những hoạt tính của loài cây này, huyện Ba Chẽ đã phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam gửi mẫu sang Phòng thí nghiệm BioDetection Systems (BDS) của Hà Lan để phân tích, đánh giá các hoạt chất. Kết quả cho thấy: trà hoa vàng (Golden Camelia) với các khả năng, đặc tính quý như chống ung thư, chống lão hóa, tác dụng chống nội tiết tố (hoóc môn) và chống rối loạn chuyển hóa, tác dụng tăng cường chuyển hóa và tác dụng ức chế miễn dịch, kháng khuẩn tốt…

Hiện nay, để đảm bảo thu mua, bao tiêu sản phẩm cho người dân trồng trà hoa vàng, trên địa bàn có 2 cơ sở thu mua, chế biến sản phẩm. Theo Bà Hoàng Thị Uy, Giám đốc Hợp tác xã Dược liệu chè hoa vàng Ba Chẽ, một năm trà hoa vàng cho thu 1 lần vào khoảng tháng 12 đến tháng 2 âm lịch.

Chú thích ảnhMột trong những quy trình chế biến trà hoa vàng Ba Chẽ. Ảnh: TTXVN phát

Trước đây trên địa bàn huyện chỉ có một cơ sở thu mua ở xã Đạp Thanh nên người dân có số lượng hoa ít thường ngại đi bán vì đường xa, dẫn đến hoa nở quá thì, không còn giá trị kinh tế cao. Do vậy, hợp tác xã được thành lập để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi, mang lại giá trị kinh tế cao nhất.

Bà Hoàng Thị Uy, Giám đốc Hợp tác xã cũng cho biết, việc thu hái hoa trà hoa vàng rất cẩn thận, do hoa sẽ nở nhanh nên một ngày người dân phải thăm và hái nhiều đợt khi hoa có giấu hiệu nở để không bị bung, dẫn đến không có giá trị kinh tế cao.

Ông Khiếu Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ cho hay, trà hoa vàng là sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh, hiện nay địa phương đang làm thủ tục cho tỉnh thẩm định để báo cáo Trung ương phát triển sản phẩm chè hoa vàng thành danh hiệu cấp quốc gia.

Hiện tại, sản phẩm sau khi được chế biến thành phẩm chủ yếu bán sản phẩm OCOP là chính, chưa phát triển rộng được thị trường tiêu thụ. Huyện hy vọng khi sản phẩm này được đánh giá đạt OCOP 5 sao của cấp quốc gia sẽ quảng bá được giá trị và thương hiệu của trà hoa vàng Ba Chẽ. Dự kiến đến 2025 sẽ phát triển khoảng 400 ha trà hoa vàng trên địa bàn toàn huyện.

Nguồn bài viết