TP Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh giáo dục pháp luật trong trường học

1 năm trước 98
Chú thích ảnhĐại diện ngành tòa án thành phố Thủ Đức tham gia chương trình tuyên truyền pháp luật tại trường THPT Phước Long.

Ngày 3/4, Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) phối hợp cùng Trường THPT Phước Long tổ chức phiên tòa giả định xét xử vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo quy định tại Điều 331 Bộ Luật Hình sự, nhằm trang bị các kiến thức pháp luật và tinh thần cảnh giác cho các em học sinh khi sử dụng mạng xã hội để nêu quan điểm cá nhân về các quyền tự do dân chủ.

Phiên tòa giả định với nội dung về Nguyễn Trọng Thổ (sinh năm 1991) đã sử dụng các tài khoản mạng xã hội facebook có tên “Đông Y gia truyền”, “Nguyễn Trọng Thổ” và tài khoản youtube “Tiếng lòng dân đen” liên tục đăng nhiều bài viết, video có nội dung xuyên tạc, nói xấu, không đúng sự thật, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín đối với cá nhân Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức và đối với tổ chức UBND thành phố Thủ Đức.

Chú thích ảnhCác em học sinh hào hứng đặt câu hỏi trong phiên tòa giả định của trường THPT Phước Long. 

Theo Hội đồng xét xử, hành vi của bị cáo Nguyễn Trọng Thổ là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm các lợi ích về chính trị, lợi ích về kinh tế, lợi ích về văn hóa tư tưởng của Nhà nước. Bị cáo có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, biết rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng có nhận thức lệch lạc nên đã cố ý thực hiện hành vi lặp đi lặp lại nhiều lần, trong suốt thời gian dài nhằm thỏa mãn ý chí, thỏa mãn tư tưởng chống đối và lôi kéo các thành viên trong cộng đồng mạng tham gia ủng hộ, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh mạng. 

Theo đó, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Trọng Thổ 2 năm 3 tháng tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo khoản 2 Điều 331; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 của Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Là học sinh vừa tham gia phiên tòa giả định, em Nguyễn Trần Nhật Vy, Bí thư Đoàn trường THPT Phước Long cho biết, sau khi theo dõi phiên toà giả định, em và các bạn đã biết thêm những hành vi vi phạm luật an ninh mạng ra sao, từ đó em sẽ biết cách sử dụng mạng xã hội đúng đắn, thông minh… 

Bà Mai Tuyết Vân, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phước Long cho biết, thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh về việc nâng cao nhận thức pháp luật và cách hành xử trên mạng xã hội, nhà trường đã phối hợp với ngành tòa án tổ chức các phiên tòa giả định ngay tại trường.

"Đây là hoạt động giáo dục có ý nghĩa và được các em học sinh đón nhận nhiệt tình, bởi thông qua chương trình sẽ giúp các em nhận thức đúng về pháp luật, định hướng đúng những hành vi ứng xử trên mạng xã hội, biết cách sử dụng mạng xã hội một cách thông minh. Những phiên tòa giả định được xem là hình thức tuyên truyền pháp luật trực quan, sinh động, dễ hiểu nhằm giúp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với học sinh. Sắp tới, trường sẽ tiếp tục thực hiện nhiều chương trình tuyên truyền pháp luật như trên", bà Mai Tuyết Vân cho biết.

Chú thích ảnhCô Nguyễn Thị Hồng, Trợ lý thanh niên Trường THPT Phước Long cho biết, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với học sinh là việc làm thường xuyên trong trường  học với nhiều hình thức khác nhau.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học có vai trò quan trọng đối với các em học sinh, vì vậy hàng năm, Sở đã chỉ đạo các trường học phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước về phổ biến pháp luật trong các đơn vị, nhà trường đến với các em học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau. Theo đó, các trường chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, trực tiếp là ngành Tòa án, Sở Tư pháp, Công an để tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với tình hình tại các trường và theo từng đối tượng, lứa tuổi...

"Từ các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong các trường học vừa qua cũng đã góp phần giúp các em học sinh nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, rèn luyện đạo đức, trau dồi kỹ năng sống; đồng thời hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật; giảm thiểu những hành vi vi phạm, lệch chuẩn ở lứa tuổi vị thành niên và ngăn ngừa tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường", vị đại diện này cho biết thêm. 

Nguồn bài viết