Kinh tế, xã hội có điểm sáng
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, những tháng đầu năm nay, tình hình phục hồi và phát triển kinh tế thành phố có bước khởi sắc với nhiều điểm sáng. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh khởi sắc hơn. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 1/2023 ước đạt 360.622 tỷ đồng (theo giá hiện hành). GRDP tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực nông lâm thuỷ sản tăng 2,1%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 3,60%; khu vực thương mại dịch vụ tăng 2,1%; thuế sản phẩm tăng 1,2%. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn trong quý 1 ước thực hiện 69.679 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ.
Trong 3 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,7% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 9,1%; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 37,2%; doanh thu dịch vụ lữ hành tăng 84,5% và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác giảm 10,9%...
Ngành du lịch TP Hồ Chí Minh tiếp tục có nhiều khởi sắc khi đón nhiều khách quốc tế. Trong ảnh: Khách quốc tế tham quan tại Bưu điện TP Hồ Chí Minh.Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, TP Hồ Chí Minh cũng đang phải đối diện với các thách thức do ảnh hưởng chung của thế giới, dẫn đến giá cả nhiều mặt hàng tăng cao khiến chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 1,5%, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, sau dịch COVID-19, sức mua hàng hoá của người dân chưa phục hồi, thị trường bất động sản gặp khó khăn, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng và nợ xấu nhiều ngân hàng tăng mạnh…
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, trong những tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực từ dệt may, đồ gỗ… thiếu đơn hàng và bị cạnh tranh gay gắt về giá; không ít khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng 50% so với mức bình thường, thậm chí có khách hàng đưa ra chỉ bằng 40%. Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất từ cuối năm 2022.
Mặt khác, những khó khăn từ thị trường bất động sản cũng lan sang các ngành khác. Cụ thể, giá thép giảm 60% do lượng cung quá lớn trong khi nhu cầu giảm, kéo sản lượng xuất khẩu thép giảm 69%; nhà máy xi măng ế ẩm, xuất khẩu giảm 55%; thị trường trong nước cũng sụt giảm khi đầu tư công và dự án bất động sản đình đốn.
Người dân chọn mua thực phẩm, trái cây tại các siêu thị vì có nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu.Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, sắp tới, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục tập trung siết chặt vấn đề kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải cách thủ tục hành chính tối đa để tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng cần đẩy mạnh giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn và vấn đề khác liên quan đến thu hút đầu tư, giá thuê đất, quy hoạch, xây dựng, hoạt động xúc tiến thương mại… để doanh nghiệp có thêm điều kiện khôi phục sản xuất trở lại.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
Nhận định về tình hình kinh tế xã hội trong quý 1/2023, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, tình hình kinh tế - xã hội đạt tốt so với dự báo và chỉ tiêu đề ra. Đây là điều đáng mừng, vì vậy các đơn vị kinh tế, doanh nghiệp cần cố gắng tiếp tục phát huy để có mức tăng trưởng tốt hơn trong tháng 4. Một điểm nổi bật là TP Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ lắng nghe, ghi nhận khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, từ đó tìm ra những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, mở rộng đầu tư và kinh doanh ổn định, bền vững hơn.
TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh giải ngân đầu tư cho các dự án trọng điểm như các tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên.Một điểm sáng khác là diễn biến tích cực trong đầu tư công. TP Hồ Chí Minh cũng đã họp chuyên đề để phân bổ vốn cho 8 dự án lớn, đã khởi công được các dự án đầu tư công lớn và có sự chuyển biến. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp vẫn còn giảm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (cao gấp 3 lần doanh nghiệp thành lập mới). Trong 81 nhiệm vụ cần hoàn thành của tháng 2, có tới 12 nhiệm vụ trễ hạn. Vì vậy, trong những tháng tới, TP Hồ Chí Minh tập trung các giải pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về vốn để mở rộng đầu tư...
Trong khi đó, nhìn nhận về tình hình kinh tế - xã hội vừa qua, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, những số liệu về tình hình kinh tế xã hội khởi sắc chứng minh cho sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua. Dù vậy, TP Hồ Chí Minh vẫn không nên quá lạc quan vì hiện nay vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thử thách đang phải đối mặt. Cụ thể, các thiết bị y tế xuống cấp, TP Hồ Chí Minh vẫn nên tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho y tế để tránh tình trạng "quá tải" các bệnh viện, thiếu trang thiết bị y tế. Bên cạnh đó, Thành phố tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng dạy học thực sự có chất lượng, tránh tiêu cực...
TP Hồ Chí Minh đang tổ chức Lễ hội Bánh mì Việt Nam lần 1 để thu hút du khách trong và ngoài nước.Đối với vấn đề kinh tế, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho biết, TP Hồ Chí Minh cam kết tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên tinh thần soi từng đầu việc để tìm giải pháp tháo gỡ cụ thể, kịp thờ. Đồng thời, TP Hồ Chí Minh cũng cần xúc tiến và sớm tháo gỡ khó khăn trong thực hiện dự án đường Vành đai 2, 3, 4, sớm kết thúc dự án chống ngập đưa vào sử dụng, bảo đảm chất lượng, đúng pháp luật... Một vấn đề quan trọng là đẩy nhanh tiến độ xây dựng vấn đề nhà ở, cải cách hành chính, chuyển đổi số…
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, để tăng doanh thu từ du lịch, năm 2023 ngành Du lịch TP Hồ Chí Minh đã xác định tập trung triển khai thực hiện chiến lược phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh đến năm 2030 với 4 mục tiêu chính: Tiếp tục nâng chất và đa dạng hóa sản phẩm du lịch của thành phố, chú trọng phát triển và quản bá sản phẩm du lịch đặc trưng; thúc đẩy kích cầu du lịch và khai thác ứng dụng số trong du lịch; đón 5.000.000 lượt khách quốc tế, 35 triệu lượt khách nội địa với tổng thu du lịch đạt 160.000 tỷ đồng.