TP Hồ Chí Minh tăng tốc sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nhâm Dần

3 năm trước 259
Chú thích ảnhTP Hồ Chí Minh tăng tốc kích hoạt, kết nối các đơn vị, doanh nghiệp, nhà phân phối, nhà sản xuất để đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ thị trường Tết 2022.

Chiều 12/11, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị sơ kết công tác bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa cho người dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong đợt dịch lần thứ 4.

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã trải qua 4 tháng gồng mình chống dịch khiến cho chuỗi cung ứng hàng hóa của thành phố đứng trước những rủi ro đứt gãy và áp lực vô cùng lớn. Vì thế, TP Hồ Chí Minh đang từng bước khắc phục khó khăn trong vận chuyển, sản xuất, khan hiếm nguyên liệu đầu vào và đặc biệt là sự thiếu hụt nguồn nhân lực.

"Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp. Mặc dù TP Hồ Chí Minh đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh nhưng vẫn phải thận trọng và từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế trong điều kiện an toàn; các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng đòi hỏi phải được điều chỉnh phù hợp để vận hành, thích ứng linh hoạt với bối cảnh dịch bệnh", bà Phan Thị Thắng nói. 

Để khôi phục sản xuất dịp cuối năm, bà Phan Thị Thắng đề nghị các sở, ban ngành, UBND các quận - huyện, thành phố Thủ Đức và các doanh nghiệp, hệ thống phân phối tiếp tục tính toán xây dựng các kịch bản ứng phó với từng cấp độ dịch bệnh để đưa vào điều tiết phù hợp trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tiếp tục theo dõi, hướng dẫn các quận, huyện và thành phố Thủ Đức trong tổ chức hoạt động các chợ truyền thống, chợ đầu mối thích ứng với bối cảnh dịch bệnh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án "Phát triển hệ thống chợ đầu mối tại thành phố thích ứng với bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và chuyển đổi số nền kinh tế", từng bước thay đổi mô hình quản lý, đưa vào vận hành mô hình chợ đầu mối trên nền tảng chuyển đổi số, hạn chế phương thức tiếp xúc trực tiếp; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng nội địa...

UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cũng cần chủ động nắm chắc và dự báo, kiểm soát tốt tình hình; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó để triển khai các giải pháp cung ứng hàng hóa cho người dân phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Nhanh chóng tổ chức hoạt động trở lại đối với các chợ truyền thống và chợ đầu mối còn lại trên địa bàn nhằm gia tăng nguồn cung ứng hàng hoá, lương thực thực phẩm cho người dân.

Về hệ thống phân phối hàng hóa của TP Hồ Chí Minh, bà Phan Thị Thắng đề nghị các đơn vị cần  tiếp tục phát huy vai trò mắc xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa, chủ động nghiên cứu, tiếp cận các mô hình, xu hướng phát triển mới như chuyển đổi số để từng bước chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp, nâng cao khả năng khích ứng, chống chọi với mọi điều kiện, diễn biến của dịch bệnh.

Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 10/11, có 167/234 chợ truyền thống, 2/3 chợ đầu mối (chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền), riêng chợ đầu mối Thủ Đức tiếp tục duy trì hoạt động của điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tạm thời (dự kiến đến cuối tháng 11/2021); 237 siêu thị (106 siêu thị tổng hợp và 131 siêu thị chuyên ngành); 46 trung tâm thương mại và hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi. Lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường thành phố trung bình gần 7.400 tấn hàng hóa/ngày. Tình hình mãi lực tại các hệ thống phân phối trong thời gian từ đầu tháng 10 đến nay tăng trung bình 20 - 25% so với thời điểm trong đợt dịch lần thứ 4. 

Nguồn bài viết