Đây là nội dung được các chuyên gia thảo luận tại chuỗi hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ Tuần lễ Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, ngày 31/10.
Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc ký kết biên bản thoả thuận hợp tác tại Tuần lễ doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc.Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, mô hình trang trại thông minh tại Việt Nam đã có từ khoảng 20 năm trước và là một phần trong chiến lược phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nông nghiệp công nghệ cao và các mô hình canh tác thông minh đã được Nhà nước quan tâm phát triển bằng nhiều chính sách hỗ trợ.
Hiện nay, cả nước có 12 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được các địa phương công nhận; 51 vùng nông nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang đóng góp 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% giá trị sản xuất cây trồng vật nuôi.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, dù mang lại một số kết quả, song các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao taị Việt Nam vẫn chiếm số ít, khó nhân rộng bởi đòi hỏi chi phí đầu tư và vận hành cao. Trong khi đó, nhu cầu sản xuất rau, hoa, quả trong điều kiện kiểm soát đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu ngày càng cao. Bài toán đặt ra cho nền nông nghiệp Việt Nam chính là cải tiến công nghệ hiện có và tiếp nhận công nghệ mới có chi phí đầu tư, vận hành thấp hơn để ứng dụng trên diện rộng.
Nêu thực tế tại địa phương, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho biết, dù chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế, song nông nghiệp là lĩnh vực mà TP Hồ Chí Minh có nhiều thành tựu lớn về ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất.
Với tốc độ đô thị hóa nhanh, đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, thành phố đã xác định sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng phù hợp với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất được chú trọng và đã hình thành nhiều loại hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả; trong đó, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện chiếm khoảng 48% trong sản xuất nông nghiệp của thành phố.
Ông Kim Tae Ho, Phó Chủ tịch phụ trách hợp tác kinh tế và thương mại Cơ quan Xúc tiến Thương mại - Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) phát biểu khai mạc tuần lễ.Mặc dù vậy, nông nghiệp TP Hồ Chí Minh chưa có các trang trại thông minh bởi việc tiếp cận và triển khai hiệu quả vấn đề phát triển trang trại thông minh vẫn gặp rất nhiều thách thức. Cụ thể, chi phí đầu tư cho trang trại thông minh cao hơn rất nhiều so với trang trại truyền thống nên phần lớn nông dân không đủ điều kiện để đầu tư đồng bộ các nội hàm trang trại thông minh để nhanh thu hồi vốn và giảm giá thành sản phẩm.
Hầu hết các trang trại hiện nay chỉ chú trọng đầu tư các thiết bị kỹ thuật canh tác nhiều hơn thiết bị xử lý môi trường, do đó, chưa có điều kiện mở rộng diện tích trên nền tảng trang trại thông minh; vấn đề tổng thể phát triển trang trại thông minh gắn với cảnh quan môi trường, cảnh quan đô thị cũng bị ảnh hưởng nhất định, do chưa tập trung đồng bộ phát triển hệ thống cây xanh cảnh quan, chỉnh trang đô thị theo xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững.
Một nguyên nhân khác là sản phẩm nông sản theo mô hình trang trại thông minh tiêu thụ trên thị trường còn hạn chế, khả năng cạnh tranh kém cả trong và ngoài nước và chưa thực sự tương xứng với chi phí đầu tư. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao để hiểu, vận hành và tiếp cận trang trại thông minh còn thiếu so với quy mô sản xuất lớn.
Theo ông Đinh Minh Hiệp, để phát triển trang trại thông minh, TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp để nâng cao năng suất, sản lượng, tạo ra giá trị sản xuất lớn trên một đơn vị diện tích; phát triển mô hình kinh tế trang trại, kinh tế hộ giúp cho ngành nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng mặc dù diện tích đất sản xuất bị thu hẹp dần;
Song song đó, cần đẩy mạnh đào tạo, thu hút nguồn nhân lực trình độ cao trong và ngoài nước có kỹ thuật, kỹ năng sử dụng vận hành công nghệ và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản và trong sản xuất và bảo quản nông sản; tiếp tục phát triển và mở rộng các khu nông nghiệp công nghệ cao trong đó tập trung vào nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố.
TP Hồ Chí Minh nên ưu tiên thu hút dự án đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và nông nghiệp đô thị, song song với thu hút đầu tư dự án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại phục vụ phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Thanh Hiền, Phó Trưởng Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh thì cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần phải hoàn thiện cơ chế, ổn định quỹ đất dành cho phát triển nông nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp tham gia ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác phát triển sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước...
Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc trao đổi cơ hội hợp tác tại Tuần lễ doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc.Phát triển nông nghiệp thông minh ứng dụng khoa học công nghệ cao có tiềm năng rất lớn, là hướng đi tất yếu, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phục vụ phát triển nông nghiệp đô thị, để TP Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi nông nghiệp theo hướng chất lượng, giá trị, bền vững và thân thiện môi trường.
Vì vậy, song song với giải pháp nội bộ, TP Hồ Chí Minh cần tận dụng mối quan hệ hợp tác với đối tác có tiềm lực công nghệ và kinh nghiệm như Hàn Quốc để xây dựng chương trình hợp tác về đào tạo, trao đổi kinh nghiệm giữa cán bộ quản lý, nghiên cứu viên với các viện, trường; chủ động hợp tác tiếp nhận công nghệ mới, phù hợp với nhu cầu và vận hành hiệu quả để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi nông nghiệp từ truyền thống sang nông nghiệp thông minh - ông Nguyễn Thanh Hiền nhấn mạnh.
Chia sẻ về tiềm năng hợp tác, bà Han Young Eun, Viện Phát triển Kỹ thuật Nông nghiệp Hàn Quốc cho biết, nông nghiệp Hàn Quốc cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như thiếu hụt nguồn nhân lực và biến đổi khí hậu. Do đó Hàn Quốc tập trung ứng dụng công nghệ cao, trang trại thông minhvà tìm kiếm các điểm đến đầu tư phát triển nông nghiệp; trong đó có Việt Nam.
Theo bà Han Young Eun, doanh nghiệp Hàn Quốc lợi thế công nghệ và kinh nghiệm triển khai các mô hình dự án nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Doanh nghiệp Hàn Quốc có thể hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong thi công các trang trại, phân phối vật tư, thiết bị và hỗ trợ phát triển thêm mô hình trang trại thông minh phù hợp với điều kiện khí hậu tại địa phương.
Ngoài ra, doanh nghiệp Hàn Quốc cũng có năng lực chuyển giao và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam làm chủ các công nghệ mới trong nông nghiệp thông minh như cảm biến, robot tự động hóa, máy bay không người lái, trí tuệ nhân tạo, số hóa quản lý… để cùng nhau hướng tới nền nông nghiệp thông minh, hiệu quả, bền vững.