Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã có văn bản khẩn gửi đến các cơ sở y tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh yêu cầu sẵn sàng ứng phó với các tình huống cấp cứu trong những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Theo đó, đối với các bệnh viện công lập và ngoài công lập, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh yêu cầu các bệnh viện phải tổ chức tốt việc cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh; dự trữ đủ thuốc, máu và các chế phẩm máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, bố trí cơ số giường bệnh và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám chữa bệnh.
“Bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ vì bất kỳ lý do gì. Trường hợp tình trạng người bệnh vượt quá khả năng chuyên môn, bệnh viện vẫn phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển tuyến để đảm bảo an toàn người bệnh”, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Khi có trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra, các bệnh viện ngoài việc khẩn trương cấp cứu, điều trị kịp thời phải báo cáo nhanh về Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố và Sở An toàn thực phẩm Thành phố; phối hợp cùng Trung tâm y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức, cơ quan chức năng có thẩm quyền để điều tra, xác minh nguyên nhân vụ ngộ độc.
Xây dựng phương án điều động nhân sự nhằm sẵn sàng đảm bảo công tác cấp cứu, phòng chống dịch bệnh, ứng phó thảm họa, cháy nổ, tai nạn, ngộ độc thực phẩm hàng loạt trong vòng 24 giờ khi có điều động từ Sở Y tế.
Phối hợp với địa phương trong quá trình cung ứng dịch vụ y tế khi tổ chức các hoạt động lễ hội trên địa bàn; phối hợp Trung tâm Cấp cứu 115 Thành phố sẵn sàng phục vụ, hỗ trợ công tác cấp cứu y tế trong quá trình tổ chức các hoạt động khi có yêu cầu.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh giao cho Giám đốc Bệnh viện đa khoa Sài Gòn bố trí ê kíp nhân sự, phương tiện cấp cứu và cơ số thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm máu, vật tư, trang thiết bị, hóa chất đầy đủ, đảm bảo thường trực tại đơn vị. Tiếp tục phát huy mô hình cấp cứu ngoại viện bằng xe mô tô hai bánh đối với các khu vực trung tâm Thành phố, sẵn sàng tiếp ứng khi có yêu cầu từ Trung tâm Cấp cứu 115 trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và trong năm 2024.
Đối với Trung tâm Cấp cứu 115 Thành phố, Sở Y tế yêu cầu đơn vị này phối hợp với các sở, ngành, đơn vị tổ chức các sự kiện lớn của Thành phố chuẩn bị phương án cấp cứu trong các sự kiện tập trung đông người; bố trí nhân sự trực 24/24 giờ, sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác cấp cứu, nhất là cấp cứu tai nạn giao thông, cháy nổ, tai nạn hàng loạt, ngộ độc thực phẩm khi có yêu cầu.
Trung tâm Cấp cứu 115 Thành phố phải bố trí nhân sự trực 24/24 giờ, sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác cấp cứu nhất là cấp cứu tai nạn giao thông, cháy nổ, tai nạn hàng loạt, ngộ độc thực phẩm; làm đầu mối triển khai phục vụ công tác y tế, điều động xe cấp cứu với đầy đủ nhân sự, trang thiết bị và cơ số thuốc cấp cứu, sẵn sàng làm nhiệm vụ sơ cấp cứu y tế trong quá trình tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật chào mừng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và khi có yêu cầu.
Bên cạnh đó, Trung tâm Cấp cứu 115 Thành phố là đầu mối tiếp nhận thông tin, điều phối xe cấp cứu đến hiện trường tùy theo tình huống; kịp thời báo cáo Ban giám đốc Sở Y tế các tình huống cần hỗ trợ khi cần cấp cứu hàng loạt để có biện pháp xử lý và điều động nhân lực tham gia phù hợp.
Đối với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh phối hợp với Sở An toàn Thực phẩm Thành phố thực hiện các nhiệm vụ về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.
Lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, các đơn vị phải nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung trên. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc phải báo cáo về Sở Y tế để được hỗ trợ.