Chiều ngày 7/7, sau khi nghe báo cáo công tác giám sát chuyên đề của HĐND TP Hồ Chí Minh khoá X về Nghị quyết 54, nhiều đại biểu HĐND đã bày tỏ băn khoăn sau 4 năm triển khai Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh nhưng kết quả không như kỳ vọng.
Các đại biểu tham dự kỳ họp HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X trong ngày 7/7.Đại biểu Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hoá - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh cho biết, khi xây dựng Nghị quyết 54, cả hệ thống chính trị của Thành phố vào cuộc, đeo bám quyết liệt, chủ động đề xuất chính sách... nhưng đến nay, nhìn tổng thể chỉ đạt hiệu ứng bước đầu, kết quả cụ thể chưa như mong muốn. Nguyên nhân là do TP Hồ Chí Minh được cho cơ chế thực hiện, tuy nhiên vẫn phải chờ có hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương, dẫn tới nhiều vấn đề cần thực hiện của TP Hồ Chí Minh bị chậm trễ.
"Sắp tới, nếu cơ chế đặc thù hết hiệu lực mà chưa kịp có nghị quyết mới thay thế, việc ký hợp đồng với các chuyên gia, nhà khoa học thuộc diện thu hút nhân tài sẽ gián đoạn. Việc thu hút nhân tài đã khó, giữ chân nhân tài càng khó, làm sao để họ quay lại với mình được nếu không kịp có nghị quyết mới thay thế. Vì vậy, Thành phố cần nhanh chóng nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù mới để có nghị quyết mới thay thế cái cũ", ông Cao Thanh Bình cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, trong dự thảo thay thế Nghị quyết 54, Thành phố cần tập trung giải quyết công tác cán bộ, đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng và linh hoạt trong bố trí phân công, vì Thành phố là địa bàn đông dân nhưng phân bổ không đồng đều. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang xuất hiện tình trạng nhiều cán bộ xã, phường xin nghỉ do quá tải công việc.
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Thị Tố Nga nói rằng, việc giảm biên chế gây áp lực lớn cho các cán bộ ở phường đông dân. Cụ thể, có phường hơn 170.000 dân nhưng biên chế từ 60 cán bộ, nhân viên giảm còn 35 người sau khi thực hiện Nghị định 34. Ngoài ra, lượng cán bộ, công chức không giống như các địa phương khác, nhưng phải hoàn thành khối lượng công việc quá lớn, như vậy là không công bằng, gây áp lực cho cán bộ. Vì vậy, khi thay thế Nghị quyết 54, Thành phố cần tiếp tục kiến nghị chế độ động viên cho cán bộ, công chức ở cơ sở để yên tâm làm việc với khoản thu nhập tương ứng.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu tại Kỳ họp lần thứ 6 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X.Đồng tình với ý kiến của các đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, sau khi tổng kết Nghị quyết 54 cho thấy, việc triển khai cơ chế đặc thù chưa đạt kết quả cao, một số nội dung không được thực hiện quyết liệt. Khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 54 dựa trên đề xuất của TP Hồ Chí Minh, trao một số quyền cho Thành phố với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực quản lý gồm: đất đai; đầu tư; tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế uỷ quyền và thu nhập của cán bộ, công chức có hiệu lực từ 1/2018 đến hết năm 2022. Sau 4 năm thực hiện, hầu hết chính sách đặc thù về quản lý tài chính nhằm tăng nguồn thu như cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, nguồn thu từ đấu giá tài sản công... chưa được Thành phố tận dụng.
Theo ông Phan Văn Mãi, một trong những nguyên nhân khiến kết quả thực hiện cơ chế đặc thù không như mong đợi do nhiều vấn đề Thành phố vẫn phải hỏi ý kiến của các bộ, ngành và thời gian chờ rất lâu. Trong khi đó, bộ, ngành lại yêu cầu Thành phố xem xét theo quy định pháp luật chung mà không áp dụng cơ chế đặc thù như Nghị quyết 54.
"Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã có dự thảo mới thay thế Nghị quyết 54 và sẽ lấy ý kiến đại biểu Quốc hội, HĐND, chuyên gia, bộ, ngành vào thời gian nửa đầu tháng 7. Trong tháng 8, Thành phố sẽ báo cáo Bộ Chính trị để kịp thông qua ở kỳ họp Quốc hội cuối năm. Nếu làm được như kế hoạch, cơ chế đặc thù cho Thành phố được thực hiện liên tục mà không bị gián đoạn", ông Phan Văn Mãi cho biết thêm.