TP Hồ Chí Minh: Khuyến khích người dân đổi căn cước công dân gắn chip điện tử

2 năm trước 217

Liên quan đến tình hình cấp căn cước công dân gắn chip điện tử trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, chiều 21/7, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu (PV01), Công an TP Hồ Chí Minh cho biết: Trong đợt cao điểm từ nay đến ngày 31/8, Công an Thành phố yêu cầu các đơn vị chia ca, kíp thực hiện, làm việc cả thứ Bảy và Chủ nhật trong khung từ 7 đến 22 giờ mỗi ngày nhằm đảm bảo thời gian cấp ít nhất 15 giờ/ngày làm việc, phấn đấu đạt 250 căn cước công dân/máy/ngày. Công an TP Hồ Chí Minh quyết tâm hoàn thành việc cấp căn cước công dân gắn chip, thực hiện tốt Đề án 06; đồng thời khắc phục các sai sót trước đây khiến nhiều người dân chưa được nhận căn cước công dân. 

Chú thích ảnhNgành công an cấp CCCD cho công dân. Ảnh tư liệu: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Liên quan đến việc thẻ căn cước công dân mã vạch được cấp năm 2020 còn hạn sử dụng, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, theo quy định pháp luật hiện nay không bắt buộc người dân phải đổi căn cước công dân mã vạch sang căn cước công dân gắn chip. Tuy nhiên, Công an Thành phố khuyến cáo người dân nên đổi vì căn cước công dân gắn chip có nhiều tiện ích hơn. Theo đó, căn cước công dân gắn chip có tính năng ưu việt là tính bảo mật cao, tránh giả mạo, thuận lợi khi giao dịch, ký hợp đồng quốc tế do có song ngữ Anh - Việt. Khi giao dịch với người có thẻ căn cước công dân gắn chip sẽ yên tâm hơn, tránh được các trường hợp lừa đảo, giả mạo, dùng giấy tờ giả để vi phạm pháp luật. 

Bên cạnh đó, khi có căn cước công dân gắn chip điện tử người dân mới tạo được tài khoản định danh điện tử, dễ dàng thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, tiết kiệm thời gian đi lại… mà căn cước công dân mã vạch không thực hiện được. Trong thời gian tới, căn cước công dân gắn chip sẽ tích hợp nhiều tính năng tiện ích như rút tiền, khám chữa bệnh…

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, người dân làm căn cước công dân gắn chip điện tử là góp phần giúp TP Hồ Chí Minh, ngành Công an và Chính phủ hoàn thành Đề án 06, xây dựng chính phủ số, xây dựng nền hành chính hiện đại, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, làm giàu dữ liệu cho các ngành... 

“Làm căn cước công dân gắn chip không chỉ có lợi cho bản thân mà còn giúp đỡ cho thành phố, cho đất nước. Do đó, người dân nên đổi thẻ chứng minh nhân dân và căn cước công dân mã vạch sang căn cước công dân gắn chip. Mã số căn cước công dân mã vạch hoặc gắn chip không thay đổi, đó cũng chính là mã số định danh cá nhân nên việc đổi căn cước công dân sẽ không ảnh hưởng đến các giấy tờ khác”, Thượng tá Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.

Nguồn bài viết