Cụ thể, Công ty TNHH Đạt Butter tại huyện Củ Chi đã được công nhận 3 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, gồm: dầu mè vàng, dầu mè đen, dầu đậu phộng; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm ABZ tại huyện Bình Chánh được công nhận 1 sản phẩm là rượu sâm đinh lăng.
Công ty cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Phúc Lộc Thọ tại huyện Bình Chánh được công nhận 3 sản phẩm mật ong đạt chuẩn OCOP 4 sao gồm: Mật ong hoa dừa, mật ong hoa bưởi, mật ong hoa sen. Công ty cổ phần Quốc tế Hoàng Nam tại huyện Nhà Bè được công nhận 14 sản phẩm chế biến từ tổ yến đạt chuẩn OCOP 4 sao. Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ Yến Đảo Cần Giờ tại huyện Cần Giờ được công nhận 17 sản phẩm chế biến từ tổ yến đạt chuẩn OCOP 4 sao. Hộ kinh doanh Yến sào Khánh Đan tại huyện Cần Giờ được công nhận 5 sản phẩm từ tổ đạt chuẩn OCOP 4 sao.
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt, sự chủ động, tích cực hưởng ứng, sự sáng tạo, nghiên cứu tìm tòi của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá thể tham gia chương trình OCOP để tạo nên sự đa dạng về nhóm, về thể loại của sản phẩm OCOP tại Tp. Hồ Chí Minh.
Theo ông Đinh Minh Hiệp, chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2018 với mục tiêu phát triển các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Việc triển khai chương trình OCOP thành công giúp nâng cao thu nhập tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Tại TP Hồ Chí Minh, từ năm 2022 chương trình OCOP đã được mở rộng cả về phạm vi địa lý và lĩnh vực đánh giá phân hạng. Theo đó, chương trình được triển khai ra toàn thành phố thay vì bó hẹp ở 5 huyện ngoại thành như giai đoạn đầu; thực hiện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP ở 6 lĩnh vực gồm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm - nội thất - trang trí, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Nhờ đó chương trình thu hút nhiều chủ thể (doanh nghiệp, gợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại và các hộ dân có sản xuất kinh doanh) tham gia và các sở, ngành tích cực đồng hành.
Đến nay, TP Hồ Chí Minh đã công nhận 191 sản phẩm OCOP của 67 chủ thể; trong đó, 79 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 112 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, có 1 sản phẩm đang được đề nghị công nhận đạt chuẩn OCOP 5 sao.
"Để khuyến khích các chủ thể tham gia nhiều hơn vào chương trình OCOP, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều hoạt động biểu dương, tôn vinh, quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, điển hình như Hội chợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm OCOP, Hội chợ xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, chợ phiên nông sản cuối tuần, Tuần lễ sản phẩm OCOP TP Hồ Chí Minh... Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP TP Hồ Chí Minh cũng được tham gia triển lãm sản phẩm OCOP trên các tỉnh, thành phố trong cả nước", ông Đinh Minh Hiệp thông tin thêm.
Bà Phan Ngọc Diệu, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ Yến Đảo Cần Giờ cho biết, công ty lựa chọn nguồn nguyên liệu tổ yến từ vùng dự trữ sinh quyển Cần Giờ với mong muốn tạo nên những sản phẩm chất lượng cao. Việc được chứng nhận sản phẩm OCOP giúp sản phẩm được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, góp phần nâng tầm thương hiệu yến sào Cần Giờ, đồng thời cũng quảng bá sản phẩm của TP Hồ Chí Minh.
Đại diện nhà phân phối và các chủ thể có sản phẩm OCOP ký kết hợp đồng hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm tại buổi lễ.Tại buổi lễ, đại diện các hệ thống phân phối cũng đã ký kết hợp đồng hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm với các chủ thể có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP trên địa bàn thành phố.