Hiệu quả tín dụng chính sách nhìn từ Ninh Thuận

4 tháng trước 58
Chú thích ảnhVốn chính sách góp phần duy trì và phát triển làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc của đồng bào Chăm.

Tỉnh Ninh Thuận nằm ở ven biển gần cực nam duyên hải Trung Bộ, ở thời điểm 30 năm trước, mảnh đất này được mệnh danh là “vùng trũng”, “rốn nghèo”, với tỷ lệ hộ nghèo lên tới 36%.

Lúc ấy, Ninh Thuận phải đối diện với vô vàn thách thức như cơ sở hạ tầng kỹ thuật lạc hậu, điều kiện địa lý khí hậu khắc nghiệt, khô hạn triền miên, cuộc sống người dân rất thiếu thốn, gian khổ.

Những tưởng khó khăn sẽ đeo bám cuộc sống của đồng bào các dân tộc trên mảnh đất nắng gió khắc nghiệt; nhưng với quyết tâm biến những điều không thể thành có thể, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Ninh Thuận đã vượt qua khó khăn, tạo nên sự thay đổi lớn lao, toàn diện. Đến nay, toàn tỉnh đã thoát khỏi “vùng trũng”, tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2021-2023 giảm còn 4,21% , bình quân mỗi năm giảm 1,46%, vượt kế hoạch đề ra.

Thành quả trên là minh chứng sống động cho sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đúng đắn của lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, đặc biệt đã triển khai thực hiện mạnh mẽ, sâu rộng  Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư ban hành ngày 22/11/2014 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”.

Điểm nổi bật trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015-2020 và triển khai Chỉ thị 40 của Đảng ở Ninh Thuận trong 10 năm qua là có được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị, huy động được mọi nguồn lực, tạo sinh kế cho người dân phát triển sản xuất kinh doanh, giảm nghèo, cải thiện cuộc sống.

Với việc triển khai thực hiện các chủ trương, nghị định, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có nhiều chuyển biến thực sự. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tín dụng chính sách; từ đó thường xuyên quan tâm tạo điều kiện về mọi mặt cho hoạt động tín dụng chính sách. Cụ thể, căn cứ tình hình ngân sách của địa phương hàng năm, UBND chỉ đạo Sở Tài chính tham mưu, ưu tiên bổ sung nguồn vốn chuyển sang cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, đồng thời tăng cường chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, tổ chức tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân tham gia gửi tiền tiết kiệm tại NHCSXH.

Theo ông Lê Minh Lộc, Giám đốc NHCSXH tỉnh Ninh Thuận, nguồn vốn ngân sách của địa phương ủy thác qua NHCSXH đến 30/4/2024 đã đạt 130,3 tỷ đồng, tăng 110,5 tỷ đồng so với thời điểm bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40 cho vay tới các đối tượng chính sách đặc thù ở những vùng dân tộc miền núi và những xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn bờ biển Đông. Điều này có được là nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương; tập trung các nguồn lực tài chính về một đầu mối, góp phần tăng nguồn vốn hoạt động của NHCSHX tỉnh Ninh Thuận đến ngày 30/4/2024 lên 3.711,5 tỷ đồng, tăng 2.477 tỷ đồng so với 10 năm trước.

Để chuyển tải kịp thời, an toàn gần 4.000 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, NHCSXH Ninh Thuận đã thực hiện phương thức ủy thác thông qua 4 tổ chức chính trị xã hội là Hội nông dân, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh. Hệ thống 271 hội đoàn thể các cấp tỉnh, huyện, xã và mạng lưới 1.638 Tổ tiết kiệm, vay vốn tại thôn xóm trên toàn địa bàn Ninh Thuận đã trở thành cầu nối giữa ngân hàng - khách hàng, giúp người nghèo dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.

Nhờ triển khai thực hiện tốt chỉ thị 40, dòng vốn tín dụng chính sách luôn được khơi thông, chảy đều khắp toàn tỉnh Ninh Thuận. Từ nông thôn đến thành thị, nơi miền núi, ngoài biển khơi, hầu hết người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu đều được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi.

Không có hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc khó khăn nào bị NHCSXH tỉnh Ninh Thuận quên lãng, bỏ lại phía sau. Đơn cử như gia đình ông Katơr Điêu, dân tộc Ray Lay, ở thôn Bậc Rây 2, xã Phước Bình, đã đổi đời nhờ nguồn  vốn chính sách. 10 năm qua, ông đã 3 lần được vay vốn của NHCSXH huyện Bác Ái. Gia đình ông đã sử dụng số tiền vay 80 triệu đồng để đầu tư nuôi bò sinh sản, cải tạo đất đồi thành vườn trồng bưởi, sầu riêng. Hiện tại, gia đình ông đã có đàn bò 10 con, vườn cây ăn quả 2ha, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Còn tại huyện Ninh Phước, nhiều hộ đồng bào Chăm ở các xã Phước Thái, Phước Thuận, thị trấn Phước Dân, đã sử dụng vốn vay chính sách để đầu tư xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn, mô hình trồng táo, nho, kết hợp với nuôi dê, cừu vỗ béo, mà thoát cảnh nghèo túng, trả nợ, nộp lãi cho ngân hàng đầy đủ, đúng kỳ hạn, xây hẳn nhà kiên cố khang trang.

Đúng như đánh giá trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Tỉnh ủy Ninh Thuận, hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã khơi dậy sức mạnh nội lực được huy động từ nguồn lao động tại chỗ và thực sự trở thành công cụ hữu hiệu, góp phần giúp địa phương đạt nhiều kết quả ấn tượng trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, đã giúp hơn 73.000 hộ thoát nghèo,  hỗ trợ cho vay vốn giải quyết việc làm cho hơn 53.600 lao động, 43.600 học sinh, sinh viên được vay vốn học tập, xây dựng hơn 116.880 công trình nước sạch và công trình nhà vệ sinh, 8.234 hộ nghèo vay vốn xây dựng nhà ở… Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh ngày càng giảm bền vững qua các giai đoạn, hiện chỉ còn 4,21%, bình quân mỗi năm giảm 4,8%, vượt kế hoạch đề ra, góp phần xây dựng 31/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Cuộc hành trình của tín dụng chính sách ở miền quê “nắng như phang” và “gió như rang” vẫn tiếp tục, bền bỉ, hối hả. NHCSXH tỉnh Ninh Thuận luôn dốc sức chung lòng, tập trung huy động các nguồn lực, chuyển tải kịp thời mọi nguồn vốn chính sách đến đúng địa chỉ, đối tượng thụ hưởng; phấn đấu thực hiện thật tốt Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư, phục vụ đắc lực kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới.

Nguồn bài viết