TP Hồ Chí Minh chọn chuyển công nghiệp là động lực cho phát triển kinh tế

1 tháng trước 26

Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, với vai trò là một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ năng động, sáng tạo, TP Hồ Chí Minh đã đóng góp đáng kể vào thành tựu chung của cả nước. Thành phố đang đứng trước yêu cầu cấp bách trong việc nâng cao chất lượng và giá trị sống của người dân, hướng tới xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, hiện nay, Nghị quyết 31 đã giao nhiệm vụ cho TP Hồ Chí Minh đến năm 2030 phải trở thành một thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại và đến năm 2045 sẽ trở thành một thành phố có nền công nghiệp phát triển hiện đại, ngang tầm với các nền kinh tế trong khu vực và vươn tầm châu lục với nhiều chỉ tiêu lớn và cụ thể. Tuy nhiên, để đạt được các nhiệm vụ và mục tiêu chiến lược đã đề ra, trong giai đoạn hiện nay, cùng với các giải pháp phát triển bền vững, TP Hồ Chí Minh đã chọn chuyển đổi xanh là nhiệm vụ trọng tâm, chuyển đổi công nghiệp là động lực, chuyển đổi số là đột phá, và hợp tác phát triển là nhiệm vụ quan trọng và tất yếu.

"Tại diễn đàn này, Thành phố sẽ lắng nghe và ghi nhận các ý kiến, kinh nghiệm, hiến kế của các đại biểu trong nước và quốc tế, đồng thời cam kết hành động cụ thể của chính quyền thành phố trong từng lĩnh vực và từng giai đoạn ngắn, trung và dài hạn để phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh," ông Nguyễn Văn Nên nói.

Chú thích ảnhÔng Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh phát biểu phiên khai mạc sáng 25/9.

Chia sẻ về ngành công nghiệp TP Hồ Chí Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh Phạm Bình An cho biết, chuyển đổi công nghiệp là quá trình thay đổi nền tảng của các ngành công nghiệp. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ công nghệ và thay đổi mô hình kinh doanh nhằm hướng tới phát triển bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh.

"Để phát triển và chuyển đổi ngành công nghiệp, TP Hồ Chí Minh cũng đang tăng cường khả năng kết nối và đáp ứng các yêu cầu mới về hội nhập, cũng như các tiêu chuẩn mới của thị trường quốc tế, từ đó nâng cao vị thế của TP Hồ Chí Minh và định vị lại vai trò của Thành phố trong mối quan hệ kinh tế với vùng Đông Nam Bộ và cả nước," ông Phạm Bình An cho biết thêm.

Chú thích ảnhCác đại biểu tham dự sẽ cùng trao đổi về những xu thế chủ đạo về chuyển đổi công nghiệp trên thế giới. 

Tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế TP Hồ Chí Minh, các đại biểu trao đổi về các xu hướng chủ đạo trong chuyển đổi công nghiệp trên thế giới; hệ sinh thái quản trị và các chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp; chiến lược chuyển đổi công nghiệp của TP Hồ Chí Minh trong bối cảnh kết nối vùng, khu vực, quốc tế, và xu hướng công nghệ mới… Sau đó, các đại biểu sẽ tham gia vào 3 phiên thảo luận song song với các chủ đề khác nhau như: Vai trò của C4IR tại TP Hồ Chí Minh gắn với chuyển đổi công nghiệp, Các ưu tiên trong chiến lược chuyển đổi công nghiệp, và Vai trò của doanh nghiệp và các bên liên quan trong chuyển đổi công nghiệp.

Chiều cùng ngày, phiên Đối thoại chính sách giữa Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành với doanh nghiệp, địa phương sẽ được tổ chức nhằm giải quyết các điểm nghẽn từ nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và địa phương. Từ đó, góp phần cụ thể hóa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ các vướng mắc, và đẩy nhanh quá trình thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Chính phủ về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh… để giúp chuyển đổi công nghiệp thành công.

Nguồn bài viết