Sau khi kiểm tra thực địa tại dự án và nghe các đơn vị báo cáo tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đã yêu cầu huyện Bình Chánh, cụ thể là Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp mặt và trao đổi với những hộ dân chưa bàn giao mặt bằng, nhằm giải thích để người dân nắm rõ quy định pháp luật. Đặc biệt, xử lý dứt điểm áp giá hỗ trợ bồi thường những hộ giáp ranh Quốc lộ 50.
Tại buổi làm việc, phía Công ty cấp nước thông báo sẽ di dời hệ thống cấp nước và bàn giao mặt bằng trước ngày 30/12/2024. Riêng đối với việc di dời trụ điện trong phạm vi dự án, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Công Thương cần có văn bản gửi UBND Thành phố đồng ý hay không đồng ý việc di dời trước ngày 5/11 này. Nếu không xử lý được, UBND TP Hồ Chí Minh sẽ xử lý Giám đốc Sở Công Thương.
Cũng tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết: "Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 có 725/725 trường hợp đã ký biên bản bàn giao mặt bằng để thi công thực hiện dự án. Trong đó, có 131/725 trường hợp (thuộc đoạn nút giao giữa dự án nâng cấp Quốc lộ 50 và dự án đường Cao tốc Bến Lức - Long Thành) đã bàn giao cho Ban Quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam".
Theo ông Nguyễn Văn Tài, trong quá trình thi công công trình, phát sinh một số hộ chưa tháo dỡ do chờ chính sách tái định cư, xem xét giải quyết bồi thường, hỗ trợ phần nhà, đất trong ranh dự án xây dựng cầu ông Thìn được triển khai năm 1992, đề nghị nhận tiền bồi thường nhưng vướng bản án chưa hiệu lực; thủ tục kê khai di sản thừa kế hoặc tháo dỡ chưa đúng ranh thu hồi dự án. Đến nay, còn lại 8 trường hợp, UBND huyện Bình Chánh chỉ đạo Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện phối hợp UBND xã Đa Phước xây dựng kế hoạch, phương án để hỗ trợ tháo dỡ trong quá trình thi công và hoàn thành vào tháng 11/2024.
Đối với 4 doanh nghiệp bị ảnh hưởng dự án, nguyên nhân vướng 11 hộ dân chưa tháo dỡ bàn giao mặt bằng tại vị trí doanh nghiệp tư nhân xây dựng và kinh doanh nhà Gia Hòa (3 hộ dân, diện tích 769,1 m2). Doanh nghiệp này có trách nhiệm xây dựng theo dự án đầu tư và bàn giao lại cho các cơ quan chuyên ngành quản lý theo quy định.
Còn đối với Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Bình Chánh (8 hộ dân, diện tích hơn 1.800 m2). Qua vận động, nhiều hộ gia đình, cá nhân đề nghị thực hiện bồi thường, hỗ trợ theo phương án và mức hỗ trợ thêm của dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư cho các dự án thuộc Khu đô thị mới Nam thành phố tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh. Hiện Công ty TNHH MTV Đầu tư kinh doanh nhà Khang Phúc đã thẩm định lại theo giá hiện nay, nhưng hộ dân chưa đồng ý.
Trước thực tế trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đã yêu cầu lãnh đạo huyện Bình Chánh sớm xuống làm việc với 8 hộ dân. Cần phải phân tích để người dân thấy rõ giữa phương án bồi thường của nhà nước và phương án bồi thường của doanh nghiệp như hiện nay thì người dân được hưởng lợi.
Theo đó, với đường Trịnh Quang Nghị hay Quốc lộ 50, mức giá bồi thường theo quy định hiện nay của nhà nước khoảng 11 triệu đồng/m2 (tính trung bình, cả đất ở và đất nông nghiệp). Với mức bồi thường từ 44 - 55 triệu đồng/m2 mà doanh nghiệp đưa ra như hiện nay, cùng những khoản hỗ trợ khác thì người dân vẫn có lợi hơn so với mức giá bồi thường của nhà nước.