Tiểu phẩm: Cái gậy

3 năm trước 368

               

Chú thích ảnhẢnh minh họa (Internet)

Hầu như ông thuộc lòng từng điều, từng chương của nhiều bộ luật Nhà nước đã ban hành. Không những thế ông còn mầy mò, tìm hiểu, nghiên cứu thêm một số bộ luật của các nước tiên tiến khác.

Ông thường nói với cấp dưới:

- Pháp luật được ví như “cái gậy”, giúp ta bước đi vững chắc, có lúc trở thành vũ khí để ta chống trả hoặc tấn công lại đối phương.

Hơn ai hết, ông Kính tuân thủ, tôn trọng và thực hiện phương châm “ Sống và làm việc theo pháp luật” với tinh thần hoàn toàn tự giác, nghiêm túc thậm chí còn hơi bị thái quá...

Ví dụ như, một lần đi thăm quan một rừng nguyên sinh, sau vài giờ leo trèo, len lỏi, ông thì thầm vào tai cậu trợ lý:

-Sáng nay làm hai vại bia hơi, bây giờ tức bụng muốn đi giải quyết nỗi buồn quá!

Cậu trợ lý liếc ngang liếc dọc, rồi nói khẽ:

-Anh vào bụi rậm, hay đứng sau cái gốc cây to kia kìa.

Ông nhăn mặt lắc đầu:

-Không được, ngoài cửa rừng đã có bản nội quy, điều 6 ghi là: Cấm…

Vậy là ông cắn răng, mím lợi, ôm bụng, cố nhịn cho đến lúc kết thúc buổi thăm quan ra cửa rừng mới chui vào toa let, để “xả” cho đúng nơi quy định.

Còn bây giờ. Trong không khí làm ăn náo nhiệt, sôi động, nhiều doanh nghiệp, nhiều người đã không thèm nhớ hoặc cố tình quên đi sự hiện diện của pháp luật, để vượt rào, lách luật…  Họ bất chấp để lấn tới, cốt sao kiếm chác được nhiều lợi nhuận. Có kẻ còn bày đặt ra nhiều thứ “luật”, thứ “lệ”, dẫu bất thành văn nhưng “luật lệ” ấy cứ ngang nhiên tồn tại. Nó trở thành một “nạn dịch”, bất cứ ở lĩnh vực nào, đều được sử dụng triệt để, tối đa, hết công xuất.

Ở cương vị Giám đốc, ông Kính đã nhiều lần phải va chạm với cái thứ “luật lệ” này. Nhưng ông vốn “cứng”, nên chưa một lần cúi đầu khuất phục. Có điều, ông nghiêm túc bao nhiêu, thì công ty của ông càng bị “thướt” đi bấy nhiêu. Hợp đồng ít dần, nhiều mối quan hệ bị cắt bỏ, mà không rõ lý do. Đồng lương của cán bộ, công nhân trong công ty ngày một bị cắt xén. Tình trạng ấy khiến ông Kính thấy bức xúc và lo lắng. Ông bóp đầu, nhăn mặt, ông cau mày mím lợi. Lâu nay, khi ăn ông thấy mồm đắng, khi ngủ ông không ngon giấc. Tay ông luôn vỗ vỗ lên cái đầu hói bóng loáng, tìm cách cải thiện tình hình.

Thực ra giải quyết vấn đề không khó. Cơ bản ông phải mạnh dạn, nói cho đúng hơn ông phải “nhắm mắt” để “làm luật”. Ông Kính nghiền ngẫm, tham khảo chán chê cuối cùng mới dám thử một lần.

Dịp đó công ty trúng thầu xây dưng Cung Văn hóa Thanh thiếu nhi thành phố, công trình với giá trị nhiều tỉ đồng. Đây rõ ra là một hợp đồng béo bở, hứa hẹn nhiều lợi lộc. Các quân sư xúm xít bên ông để bày mưu tính kế. Nào là thế này, nào là thế kia… làm đầu óc ông rối tinh rối mù lên. Ông có cảm giác như lọt vào một mê hồn trận nào đó. Dần dà cái mối bòng bong mới được gỡ ra từng nút một, mới làm ông nhẹ mình. Ông thấy phần nào yên tâm vững dạ để điều hành sự vụ. “Làm luật” ở cửa nào, giá mỗi cửa bao nhiêu… ông đều vạch ra rõ ràng. Khâu ăn chia, ông tính toán sẵn, chi tiết, cụ thể từng khoản một. Bên chủ đầu tư, bên giám sát công trình, và một số đầu mối khác nữa, mỗi nơi được hưởng bao nhiêu phần trăm, hợp lý, vui lòng, và không có gì thắc mắc. Ông phân phối rất khoa học, các ngôi thứ rất công bằng. Phải công nhận, dù là lần đầu tiên nhún mình chấp nhận “làm luật” mà ông Kính đã như một người mang mình đầy kinh nghiệm. Cấp dưới của ông cứ phục ông sát đất.

Công trình vừa mới khởi công, cánh “bậu xậu” của ông đã “thay da đổi thịt”. Ví dụ như cậu T đập nhà cũ đi xây nhà mới. Cậu K lên xe bốn bánh. Cô N mua chung cư cho con ở Hà Nội… Nhiều khi họ đưa ông Kính đi ăn nhậu, trong lúc vui vui ông vừa cười vừa nói:

 - Làm ăn thoáng cũng mát đấy các cậu nhỉ!

Nhưng để có tiền ông Kính đã phải mềm lòng khi đồng ý tiến hành việc tráo vật liệu vào công trình. Sắt thép, xi măng, đá ốp, gạch hoa, gạch xây, cát sỏi… theo thiết kế là một loại, khi thi công lại là một loại khác. Có những loại vật liệu chênh lệch giá với tỉ lệ một trên mười. Đáng kể hơn ông còn là một trong những thành viên thực hiện cái công đoạn gọi là “rút ruột công trình”, ví như đáng 5 cây sắt thì chỉ cho vào 3, đáng 1 tấn xi măng thì chỉ cho vào 8 tạ.

Đời có câu “ việc gì đến sẽ đến”! Đúng vậy, việc đánh tráo sắt thép xi măng, việc “rút ruột công trình”, đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Công trình  bàn giao mới được dăm tháng đã có sự cố xẩy ra. Nền móng lún, tường xây nứt, mái trần co, nứt, cong vênh… và nhiều sự cố khác cứ mỗi ngày lại lộ thêm ra. Trước hiện trạng đó thanh tra và công an đã phải vào cuộc.

Gần một tháng nay ông Kính như người mất hồn. Ông đang bị các cơ quan Pháp luật “sờ gáy”. Người ta bắt buộc ông phải giải trình từng công đoạn xây dựng. Từng số lượng, chất lượng của vật liệu vào từng công đoạn đó. Sáng suốt thông minh, nhưng giờ ông chẳng khác nào một người ngơ ngẩn. Đầu óc ông cứ mụ mị cả đi. Thi thoảng mới có lúc tỉnh táo. Những lúc ấy ông chỉ biết thở dài thườn thượt, rồi mếu máo, thở than:

- Luật pháp là “cái gậy”, chỉ một lần buông tay nó ra ta sẽ ngã dúi ngã dụi đến mức khó mà ngóc đầu lên được nữa.

Từ hai hốc mắt thâm quầng của ông những giọt lệ ận hận muộn mằn nối nhau ứa ra.

Nguồn bài viết