Tiền Giang áp dụng khoa học công nghệ thâm canh rau màu vụ Đông Xuân

1 năm trước 180
Chú thích ảnhNông dân xã Điềm Hy (huyện Châu Thành) xuống giống rau màu Tết. 

Trong vụ Đông Xuân này, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng trên 20.000 ha, cho sản lượng thu hoạch trên 400.000 tấn rau màu các loại cung ứng thị trường trong ngoài tỉnh. Riêng vùng kiểm soát lũ phía Tây trồng khoảng 1.000 ha dưa hấu phục vụ Tết Nguyên đán.
 
Để đảm bảo cho vụ rau màu Đông Xuân bội thu, chất lượng nông sản hàng hóa cao mang lại giá trị kinh tế lớn cho nông dân, ngay từ đầu vụ sản xuất, ngành nông nghiệp kết hợp cùng các ngành, các cấp tăng cường tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn bà con sử dụng giống chất lượng, sạch bệnh, ưu tiên các giống lai F1, sử dụng màng phủ nông nghiệp khi trồng rau màu trên chân ruộng,… gắn với áp dụng khoa học công nghệ thâm canh nhằm tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản khi thu hoạch.
 
Trong quá trình chăm sóc, cần chú trọng bón phân cân đối, hợp lý, đầu tư lắp đặt các hệ thống tưới phun tự động, tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, nhân rộng các mô hình trồng rau trong nhà màng, nhà lưới nhằm tăng cường quản lý hiệu quả và kiểm soát tốt sâu bệnh cùng các đối tượng sinh vật gây hại cho rau màu khác.
 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, khoa học công nghệ đang được nông dân áp dụng rộng rãi giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả ngành hàng rau màu. Toàn tỉnh hiện có 100 nhà màng trồng rau màu, quy mô mỗi nhà màng từ 300 m2 đến 1.000 m2 trồng dưa lưới, rau ăn quả, rau thủy canh với chế độ nước và dinh dưỡng hồi lưu; trên 120 nhà lưới trồng các loại rau cải, rau mùi…
 
Về giống, trên 90% diện tích rau ăn quả sử dụng giồng lai F1, phổ biến nhất là các giống dưa leo LD7, giống ớt lai LD 16, các giống ngô F1. Cơ giới hóa trong thâm canh rau màu cũng có nhiều tiến bộ với tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất lên đến gần 42%. Ngoài ra, Tiền Giang cũng có gần 210 ha rau màu được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP; trong đó, có gần 104 ha còn hiệu lực.
 
Đồng thời, tỉnh chú trọng phát huy vai trò các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp trong liên kết, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết đầu ra rau màu với giá có lợi nhất cho nông dân các vùng chuyên canh rau, tiến tới xây dựng chuỗi giá trị bền vững trên cây rau màu Tiền Giang.
 
Thuận lợi của địa phương là trong nỗ lực phát huy tiềm năng và thế mạnh cây rau màu trong nền nông nghiệp hàng hóa, thời gian qua, Tiền Giang đã hình thành được những vùng chuyên canh rau màu với chủng loại đa dạng, chất lượng tốt, thị trường ưa chuộng.
 
Điển hình như vùng trồng rau má tại các xã Thân Cửu Nghĩa, Tam Hiệp và Tân Lý Đông của huyện Châu Thành với quy mô hàng nghìn ha; vùng trồng ngò gai ven rạch Bảo Định thuộc địa bàn các xã Lương Hòa Lạc, Phú Kiết, Thanh Bình, Mỹ Tịnh An,…của huyện Chợ Gạo với quy mô vài trăm ha; vùng trồng dưa hấu luân canh trên nền đất lúa theo cơ cấu mùa vụ 2 lúa + 1 màu tại các huyện Gò Công Tây, Cai Lậy, Cái Bè qui mô đến 3.000 ha. Trong số đó, Gò Công Tây là vùng có truyền thống trồng dưa hấu Tết chất lượng cao, góp phần tạo nên thương hiệu “Dưa hấu Gò Công” nổi tiếng tại Tiền Giang.
 
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đánh giá, việc phát huy tiềm năng rau màu nói chung, trồng rau màu trong vụ Đông Xuân nói riêng đang mang lại hiệu quả kinh tế xã hội lớn, góp phần làm giàu cho nông dân các vùng chuyên canh. Sau khi trừ chi phí, mỗi ha rau màu cho lãi ròng khoảng 160 triệu đồng/ năm. Đặc biệt, năm 2019 vừa qua là năm rau màu cho lợi nhuận kỷ lục, bình quân từ 220 triệu đồng đến 270 triệu đồng/ ha/ năm, tùy theo loại rau màu. Nhờ vậy, nhiều nông dân đã vượt khó, thoát nghèo và làm giàu nông thôn.

Nguồn bài viết