Tiền Giang xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả ứng phó hạn mặn

2 năm trước 203
Chú thích ảnhChăm sóc thanh long tại xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo. 

Theo ngành nông nghiệp các huyện trên, toàn vùng hiện có trên 13.600 ha trồng các loại cây ăn quả đặc sản, phù hợp đặc thù thổ nhưỡng địa phương như: thanh long, cây có múi, sơ ri, mãng cầu xiêm...; trong đó, có gần 11.000 ha vườn cây đang cho trái với năng suất ổn định.

Năm 2022, các huyện, thị: Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công dự kiến đạt sản lượng trái cây các loại khoảng 315.000 tấn cung ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. Riêng từ đầu năm đến nay, nông dân địa phương đã thu hoạch được khoảng 100.000 tấn trái cây các loại.

Huyện ven biển Gò Công Đông là địa phương có nhiều nỗ lực chuyển đổi cây trồng, khuyến khích nông dân cải tạo đất đai, chuyển diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, năng suất bấp bênh sang hình thành những vùng chuyên trồng cây ăn quả đặc sản thích ứng biến đổi khí hậu. Hiện nay, diện tích cây ăn trái toàn huyện đã mở rộng lên gần 1.000 ha.

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, huyện tiếp tục định hướng phát triển các cây ăn trái chủ lực gồm sơ ri, thanh long, mãng cầu xiêm..., bố trí ở các vùng đất giồng cát, vùng ven kinh mương ngọt hóa gắn với thổ cư. Nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như đầu tư công chăm sóc nên năng suất và chất lượng của các loại cây ăn trái ngày càng tăng.

Ngoài sơ ri, mãng cầu ta… là những cây ăn quả truyền thống thích hợp với điều kiện đất đai nhiễm mặn, chịu hạn hán, gần đây, nông dân Gò Công Đông còn đưa thêm nhiều cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao vào cơ cấu trồng trọt như: thanh long ruột đỏ, mãng cầu xiêm, chanh tứ quý… Trước mắt, địa phương đã xây dựng vùng chuyên canh thanh long ruột đỏ gần 200 ha tại xã ven biển Kiểng Phước. Tại đây, đã hình thành Hợp tác xã trồng thanh long VietGAP Kiểng Phước quy tụ nông dân vùng chuyên canh. Nhờ cây trồng này, từ một xã ven biển nhiều khó khăn, Kiểng Phước đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và ra mắt xã nông thôn mới; tạo tiền đề để huyện Gò Công Đông được Thủ tướng Chính phủ công nhân đạt chuẩn và ra mắt huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Tiền Giang.

Nông dân huyện Gò Công Tây cũng quan tâm lựa chọn nhiều loại cây ăn quả phù hợp để thay thế cho cây lúa hoặc các loại cây trồng kém hiệu quả khác, đặc biệt là ưu tiên chọn thanh long có khả năng chịu hạn, phù hợp điều kiện thiên nhiên khắt nghiệt và là nguồn nông sản xuất khẩu quan trọng. Ngoài ra, huyện Gò Công Tây còn phát triển diện tích bưởi da xanh và một số cây ăn quả khác mang lại giá trị kinh tế cao.

Theo thống kê, toàn huyện đã có hơn 600 ha thanh long tập trung tại các xã Đồng Sơn, Đồng Thạnh, Bình Phú và Thành Công. Diện tích bưởi da xanh tại đây cũng mở rộng lên hàng trăm ha, nhiều nhất tại xã Thạnh Nhựt và thị trấn Vĩnh Bình.

Ngoài ra, một số nơi trong huyện còn trồng xoài cát, chanh tứ quý, mãng cầu xiêm…Qua đánh giá của nông dân, các loại cây ăn quả đều mang lại lợi nhuận gấp nhiều lần so với trồng lúa năng suất cao trước đây. Nhờ chuyển đổi sản xuất thành công, thu nhập cao, có của ăn của để, bà con rất phấn khởi.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, thực hiện Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi cây trồng và mùa vụ các huyện, thị phía Đông đến năm 2025”, các địa phương ven biển phía Đông tỉnh tiếp tục định hướng phát triển cây ăn trái chủ lực ở những địa bàn trọng điểm; khuyến khích nông dân mở rộng diện tích cây ăn quả đặc sản trên đất giồng cát ven biển, ven kênh mương ngọt hóa, trồng lúa khó khăn và thu nhập bấp bênh…

Đồng thời,- áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học công nghệ để tăng năng suất, sản lượng, đảm bảo chất lượng cung ứng ứng thị trường. Từ đó, tiến tới hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm liên kết chuỗi giá trị, giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa, nông dân an tâm đẩy mạnh sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu và ổn định cuộc sống.

Nguồn bài viết