Tiềm năng phát triển du lịch từ những giá trị đặc trưng của thành phố Cảng

1 năm trước 90
Chú thích ảnhMột góc khu du lịch thị trấn Cát Bà. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Tài nguyên đặc sắc, riêng có

Trong tham luận gửi đến Hội thảo khoa học “Xây dựng hệ giá trị văn hóa và ngành công nghiệp văn hóa Hải Phòng” do Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức mới đây, Giáo sư, Tiến sỹ Trương Quốc Bình, Viện văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa cho biết, Hải Phòng có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, có kho tàng di tích lịch sử văn hóa phong phú đa dạng. Các kết quả nghiên cứu khai quật khảo cổ học và thư tịch cũ chứng minh, đây là vùng đất từ xa xưa đã có cư dân Việt cổ sinh sống, làm ăn. Đây cũng là vùng đất Nữ tướng Lê Chân gây dựng căn cứ, tuyển mộ nghĩa quân chống quân Đông Hán dưới ngọn cờ của Hai Bà Trưng. Nữ tướng Lê Chân là người có công đầu trong việc khai phá lập nên trang An Biên xưa, tiền thân của thành phố Hải Phòng ngày nay.

Với vị trí chiến lược quan trọng, Hải Phòng là nơi có những chiến tích lừng lẫy trong lịch sử chống ngoại xâm với các chiến thắng trên sông Bạch Đằng như: Trận Bạch Đằng năm 938 của Đức Vương Ngô Quyền, trận Bạch Đằng năm 981 của Vua Lê Đại Hành và trận Bạch Đằng năm 1288 của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Trương Quốc Bình, vào thời cận đại, Hải Phòng là cảng lớn nhất của xứ Bắc Kỳ, đầu mối giao thông quan trọng trên đường hàng hải quốc tế; là một trung tâm công nghiệp, có nhà máy xi măng đầu tiên ở Đông Dương. Vì thế, địa phương đã trở thành một trong những cái nôi đánh dấu sự ra đời của giai cấp công nhân và phong trào công nhân Việt Nam đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột của thực dân Pháp. Lịch sử lâu dài và vẻ vang đó đã để lại những di sản văn hóa có giá trị, là nguồn tài nguyên du lịch góp phần tạo nên thương hiệu của thành phố Cảng anh hùng.

Tiến sỹ Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng cho biết, du lịch văn hóa là một trong 4 loại hình du lịch cơ bản thu hút nhiều du khách nhất. Hải Phòng có nhiều giá trị cốt lõi văn hóa gắn liền với các di sản văn hóa, trong đó không thể không nói đến Cảng Hải Phòng. Cảng hình thành từ bến Ninh Hải của làng chài Cửa Cấm từ thế kỷ XVIII. Năm 1874, triều đình nhà Nguyễn giao đất Hải Phòng cho thực dân Pháp.

Sau đó, người Pháp xây dựng Cảng Hải Phòng thành một bến cảng sầm uất. Cảng gắn liền với sự phát triển của đô thị Hải Phòng, với vùng đất và con người địa phương, hình thành thương hiệu “Đất Cảng” duy nhất ở Việt Nam. Cùng với Cảng Hải Phòng là khu đô thị nội đô lịch sử thuộc các quận Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền. Đây là khu vực hình thành từ năm 1888 với nhiều khu phố cũ có giá trị lịch sử, kiến trúc. Ẩm thực Hải Phòng mang những nét đặc trưng riêng và đã trở thành xu hướng để du khách thưởng thức, trải nghiệm sau khi COVID-19 được kiểm soát.

Chú thích ảnhLực lượng kiểm lâm tuyên truyền công tác bảo tồn thiên nhiên cho du khách. Ảnh: Minh Đức/ TTXVN

Hình thành sản phẩm du lịch phát huy thế mạnh

Tiến sỹ Phạm Từ, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam đánh giá, tiềm năng du lịch của Hải Phòng đã, đang được phát lộ, đầu tư, bảo tồn, tôn tạo và trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn riêng có. Đặc biệt, vịnh Lan Hạ (quần đảo Cát Bà) là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới.

Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà vừa được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Khu Di tích Nhà mạc đã và đang được đầu tư theo chiều sâu sẽ là các điểm đến du lịch văn hóa đặc thù của địa phương.

Tiến sỹ Phạm Từ nhấn mạnh, ngành Văn hóa và ngành Du lịch Hải Phòng cần tập trung nhiều hơn để phát huy giá trị Khu Di tích và Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đây là điểm đến hấp dẫn, có một không hai tại Việt Nam.

Theo Tiến sỹ Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng, để phát triển du lịch văn hóa, ngành Du lịch tập trung xây dựng sản phẩm mang những nét đặc trưng, riêng có của Hải Phòng. Sở đang phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm cùng ngư dân trên Vịnh Lan Hạ; xây dựng sản phẩm du lịch rừng ngập mặn ở Đồ Sơn (khu rừng ngập mặn lớn nhất miền Bắc) kết hợp với trải nghiệm làm ngư dân tạo điểm nhấn thu hút du khách. Cùng với đó, ngành Du lịch Hải Phòng đang tiếp tục phát triển các dịch vụ về đêm trên các tuyến phố đi bộ kết hợp với khai thác lợi thế văn hóa của địa phương, đáp ứng thị hiếu du khách.

Ngành tiếp tục nghiên cứu và xây dựng hai sản phẩm mới khai thác giá trị văn hóa và lịch sử gồm: Nghiên cứu, quảng bá sản phẩm du lịch gắn với lịch sử Đảng bộ thành phố Hải Phòng; tham quan trải nghiệm văn hóa lịch sử gắn với bảo vệ môi trường và hướng nghiệp cho học sinh.

Cuối tháng 10/2023, Sở Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Thành Đoàn Hải Phòng đã phối hợp tổ chức Chương trình giới thiệu sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, trải nghiệm gắn với bảo vệ môi trường và hướng nghiệp dành cho học sinh. Chương trình đã giới thiệu 9 điểm tham quan gắn với giáo dục văn hóa, lịch sử gồm: Bảo tàng Hải Phòng, Bảo tàng Hải Quân, Bảo tàng Quân khu 3, Khu Di tích Bạch Đằng Giang, Bãi cọc Cao Quỳ, Bến tàu K15, Bến Nghiêng, Khu Di tích Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Khu tưởng niệm Vương Triều Mạc cùng các nội dung khác liên quan.

Tham gia chương trình, em Đỗ Khánh Hằng (học sinh Trường Trung học Phổ thông Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân) cho biết, hoạt động trải nghiệm giúp em và các bạn hiểu hơn về lịch sử thành phố nơi mình đang sống, thêm yêu, tự hào về quê hương.

Theo Sở Du lịch Hải Phòng, 10 tháng năm 2023, du lịch địa phương đón và phục vụ gần 6.846.000 lượt khách; trong đó, khách quốc tế là 825.047 lượt.

Nguồn bài viết