Thống nhất hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Tây Nguyên

1 năm trước 80
Chú thích ảnhÔng Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trong thời gian qua, các chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Tp. Hồ Chí Minh và 5 tỉnh vùng Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội nhằm chuyển hóa tiềm năng, lợi thế của các bên thành giá trị cụ thể, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của từng địa phương.

Qua đó, tạo cầu nối để doanh nghiệp các bên liên kết, thúc đẩy hợp tác công - tư, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của các tỉnh, thành liên quan. Theo đó, các lĩnh vực được ưu tiên, tập trung thực hiện bao gồm: phát triển du lịch; kết nối cung cầu, xúc tiến đầu tư, thương mại; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; phát triển y tế, giáo dục và nông nghiệp.

Ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược của cả nước. 5 tỉnh Tây Nguyên có diện tích lớn, dân số đông với nhiều tiềm năng lớn về đất đai, khoáng sản, rừng, cảnh quan… Tuy nhiên, đây vẫn là khu vực còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông. 

"Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) sẽ tạo ra một động lực mới cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Đắk Nông nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung", Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định.

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, phân tích những tiềm năng, thế mạnh và các khó khăn, vướng mắc của từng địa phương cũng như các lĩnh vực cụ thể mà 2 bên cần tập trung hợp tác, phát triển. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, Hồ Chí Minh sẽ tổ chức tuần lễ triển lãm 8 sự kiện liên quan tới chương trình hợp tác giữa hai bên; trong đó, nổi bật nhất là triển lãm các sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng vùng Tây Nguyên, hôi nghị triển lãm công nghệ chế biến nông lâm thủy sản...

Tại các tỉnh Tây Nguyên sẽ tổ chức 8 hội thảo, hội nghị mang tầm khu vực về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xúc tiến thương mại, hợp tác y tế…Đồng thời, mỗi tỉnh Tây Nguyên sẽ tập trung triển khai một lễ hội đặc trưng, thế mạnh của địa phương, trong đó, Đắk Lắk là lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột; Lâm Đồng là lễ hội hoa Đà Lạt; Kon Tum là lễ hội sâm Ngọc Linh; Gia Lai là lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên; và Đắk Nông là lễ hội “Đắk Nông – mùa bơ chín”.

Dự kiến, cuối năm 2023, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên sẽ tổ chức hội nghị đánh giá tổng thể chương trình hợp tác năm 2023 và đề ra phần việc của năm 2024; trong đó, nhiều sự kiện tổ chức sẽ được nâng tầm thành sự kiện của toàn khu vực.

Nguồn bài viết