Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện - Bài 2: Nền tảng công nghệ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia

2 năm trước 166

Theo tính toán chung, doanh nghiệp chuyển đổi số có thể tăng trung bình 55% tổng lợi nhuận doanh nghiệp; tiết kiệm tới 50% chi phí quản lý và nhân sự; tiết kiệm 30-40% thời gian, đồng thời trải nghiệm khách hàng, sự hợp tác giữa các phòng, ban cũng như khả năng quản lý thông tin của cấp lãnh đạo được nâng cao.

Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, tham vấn những chương trình hỗ trợ chuyển đổi số đang có và lựa chọn chuyển đổi số bằng nền tảng là hướng đi đúng đắn và hiệu quả.

Chủ động chuyển đổi

Chú thích ảnhVách kính mặt dựng hệ Stick. Ảnh: techwindoor.com

Là một doanh nghiệp vừa và nhỏ, Công ty Cổ phần Cơ khí xây dựng Việt Nam Techgroup hoạt động trên lĩnh vực sản xuất cửa nhôm kính, nhập khẩu và phân phối điện máy cầm tay cho thị trường Việt Nam, có chi nhánh tại 4 tỉnh, thành phố và hơn 300 nhà phân phối, đại lý khắp cả nước. Nhận thức rõ việc chuyển đổi số vừa là điều kiện sống còn của doanh nghiệp, vừa là đòn bẩy để doanh nghiệp tiến nhanh và xa hơn, Công ty Cổ phần Cơ khí xây dựng Việt Nam Techgroup coi chuyển đổi số là ưu tiên lớn trong chiến lược hoạt động của doanh nghiệp. Bước vào công cuộc chuyển đổi số ở một số mảng hoạt động, Techgroup đã sử dụng phần mềm, nền tảng hỗ trợ chuyển đổi số được cung cấp bởi các doanh nghiệp công nghệ trong nước. Nhờ đó, Công ty đã cắt giảm được 40% nhân sự mà hiệu quả công việc vẫn đảm bảo.  

Ông Lê Văn Thế, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí xây dựng Việt Nam Techgroup cho biết, quyết định chuyển đổi số tại Techgroup nhận được sự đồng thuận từ lãnh đạo đến nhân viên. Sau một thời gian đẩy mạnh việc ứng dụng các nền tảng công nghệ cho các quy trình như kế toán, quản lý doanh nghiệp được các công ty công nghệ Việt Nam cung cấp, hoạt động của Techgroup về tổng thể đã tiết giảm được các nguồn lực về nhân sự về thời gian sẽ giảm được chi phí, nhờ đó mà gia tăng lợi nhuận. Hiện tại, việc trao đổi nội bộ và kết nối với khách hàng cũng sử dụng các ứng dụng, nền tảng xã hội. Và cán bộ, nhân viên của Techgroup đều được trau dồi kỹ năng khai thác, sử dụng các giải pháp công nghệ ở mức thành thạo. Quá trình chuyển đổi số nhận được sự đồng thuận từ lãnh đạo đến nhân viên.

Học viện Thành công là một đơn vị cung cấp những khóa học, chương trình đào tạo kỹ năng dựa theo nhu cầu, yêu cầu của học viên. Trước đây, Học viện cần có không gian hơn 1.500m2 để tổ chức các khóa học, bố trí giáo viên và học viên tham gia học trực tiếp thì hiện nay, Học viện sử dụng phòng studio để sản xuất các bài giảng, cung cấp các khóa học online. Với kho lưu trữ khoảng 4.000 bài giảng đã được số hóa, linh hoạt, dễ kết hợp, điều chỉnh, các chương trình đào tạo của Học viện không chỉ phục vụ đa đạng các đối tượng học viên mà đặc biệt, chương trình học có thể cá thể hóa nhu cầu của từng học viên. Kết hợp với đơn vị làm truyền thông để bán các khóa học online, Học viện mở rộng theo hướng chuyên biệt hóa các phần công việc, tiết kiệm nguồn lực đầu tư và tận dụng thế mạnh của các bên hợp tác.  

Ông Vũ Việt Anh, Tổng Giám đốc Học viện Thành công chia sẻ: "Là đơn vị giáo dục, chúng tôi nhận thức rõ việc chuyển đổi số không chỉ là vấn đề sống còn của đơn vị, mà còn là cách thức để phát triển trong cách mạng 4.0. Quan điểm của tôi là doanh nghiệp phải chủ động tìm phương thức để chuyển đổi số. Và việc tìm được đối tác cùng khát vọng mong muốn để thay đổi, chuyển đổi là rất quan trọng, lựa chọn được nền tảng, phương thức chuyển đổi là điều kiện tiên quyết để bước đầu đạt được thành công khi chuyển đổi số các hoạt động truyền thống của đơn vị."

Chuyển đổi bằng nền tảng công nghệ

Chú thích ảnhDu khách có thể tự đặt phòng khách sạn không phải qua lễ tân tại một khách sạn ở Hà Nội. Ảnh: XM/Báo Tin tức

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng khẳng định: Nền tảng số là giải pháp đột phá để chúng ta phổ biến, đưa công nghệ số trở thành một dịch vụ phổ biến. Chuyển đổi số quan trọng nhất là nền tảng số. Việt Nam cũng đã xác định lựa chọn đúng công cụ, đúng nền tảng chuyển đổi số.

Theo số liệu do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam cung cấp (VINASA), tại Việt Nam, hiện nay có hơn 90% doanh nghiệp không biết cách làm như thế nào để chuyển đổi số, 72% doanh nghiệp không biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu, 69% doanh nghiệp không biết chọn giải pháp nào, nhà cung cấp nào uy tín để hỗ trợ chuyển đổi số nhanh chóng, hiệu quả. Theo khảo sát của Cisco, hiện các doanh nghiệp đang đối mặt với các rào cản trong quá trình chuyển đổi số. Cụ thể 17% thiếu kỹ năng số và nhân lực, 16,7% thiếu nền tảng công nghệ thông tin, 15,7% thiếu tư duy kỹ thuật số, ngoài ra còn các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Doanh nghiệp, Bộ thông tin và Truyền thông cho biết: Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp làm thước đo để doanh nghiệp tự đánh giá được mức độ chuyển đổi số của đơn vị, cũng như các bước cần tiến hành để chuyển đổi số. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông đã lựa chọn, giới thiệu 35 nền tảng số quốc gia, đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số, được sử dụng sâu rộng để tạo hạ tầng mềm phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số quốc gia và trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng tập hợp các doanh nghiệp Việt Nam có tiềm lực, tập trung đầu tư phát triển các nền tảng số quốc gia làm nòng cốt để hình thành mạng lưới các nhà phát triển nền tảng số Việt Nam và mạng lưới hỗ trợ triển khai nền tảng số.

Theo quy định mới, từ ngày 1/7/2022, 100% các doanh nghiệp phải sử dụng hóa đơn điện tử để tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức và mang lại hiệu quả cho chính doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý nhà nước. Để hỗ trợ doanh nghiệp, hiện nay, các công ty công nghệ cung cấp những giải pháp công nghệ mang tính tổng thể. Hiện tại, nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA aMIS và  nền tảng kế toán dịch vụ MISA ASP  của Công ty Cổ phần MISA đang hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Đây cũng là 2 trong số các nền tảng được Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn để giới thiệu tới các doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi số.

Bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MISA cho biết, nắm được khó khăn của doanh nghiệp khi chuyển đổi số, chúng tôi hỗ trợ các đơn vị triển khai các giải pháp công nghệ mang tính tổng  thể. Bằng cách cung cấp các nền tảng kết nối giữa kế toán, bán hàng, nhân sự cũng như công tác quản lý điều hành, các nền tảng công nghệ của MISA không chỉ giúp cho doanh nghiệp không chỉ tối ưu chi phí mà việc tích hợp dữ liệu giúp giám đốc các đơn vị có cơ sở ra được quyết định điều hành nhanh chóng, hiệu quả.

Để hỗ trợ doanh nghiệp xử lý bài toán dữ liệu, ông Cao Hoàng Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu Tư Thương Mại và Phát Triển Công Nghệ FSI cho biết, dựa trên việc số hóa dữ liệu, số hóa quy trình của các đơn vị, chúng tôi đưa ra các giải pháp để doanh nghiệp lựa chọn. FSI không chỉ cung cấp dịch vụ tư vấn cho các đơn vị muốn chuyển đổi số mà còn giới thiệu các giải pháp công nghệ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, thời gian và gia tăng lợi nhuận.

Theo số liệu của Bộ Thông tin và truyền thông, thời gian qua, đã có hàng trăm nghìn doanh nghiệp tiếp cận nền tảng chuyển đổi số, trong đó có hơn 16.000 doanh nghiệp sử dụng các giải pháp do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp. Năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục lựa chọn các nền tảng số xuất sắc để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số. Mục tiêu đặt ra là hỗ trợ 30.000 doanh nghiệp sử dụng nền tảng để chuyển đổi số, từ đó thúc đẩy kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia.

Bài cuối: Cần hợp sức từ mọi nguồn lực

Nguồn bài viết