Người Anh hùng “lấy thân mình lấp lỗ châu mai”
Anh hùng Phan Đình Giót, sinh năm 1922, ở thôn Vĩnh Yên, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, trong một gia đình nghèo. Bố mất sớm, hai anh em Phan Đình Giót và Phan Đình Giát sống cùng mẹ trong cảnh nghèo khó. Từ năm 7 tuổi, hai anh em phải đi ở đợ cho địa chủ. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Phan Đình Giót tham gia lực lượng tự vệ chiến đấu. Năm 1950, ông xung phong vào bộ đội chủ lực và được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhớ về người bác ruột của mình, bà Phan Thị Nhự (sinh năm 1954, con gái ông Phan Đình Giát) chia sẻ, năm tôi sinh ra cũng là năm bác Giót mất. Theo lời kể của cha, ngày bác xung phong lên đường nhập ngũ, gia đình nghèo đói lắm. Chỉ với nắm cơm nhỏ trên tay, bác Giót đi bộ hàng cây số ra nơi nhập ngũ để ra chiến trường.
Anh hùng Phan Đình Giót tham gia nhiều chiến dịch lớn, như: Chiến dịch Trung Du, chiến dịch Hòa Bình, chiến dịch Tây Bắc và Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trận đánh nào, ông cũng nêu cao tinh thần quả cảm, vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đặc biệt, trong ngày 13/3/1954, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, Anh hùng Phan Đình Giót đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm lấy thân mình lấp lỗ châu mai, dập tắt hỏa lực của địch, tạo điều kiện cho đơn vị xông lên tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Khi hy sinh, đồng chí là Tiểu đội phó bộ binh thuộc Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312.
Ngày 31/8/1955, đồng chí Phan Đình Giót được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhì và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân theo Quyết định số 714/SL. Ông là một trong 16 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được tuyên dương vì thành tích trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Hiện nay, tại quê nhà của Anh hùng Phan Đình Giót, người em Phan Đình Giát cũng đã mất. Trên nền ngôi nhà cũ của gia đình, công trình khu lưu niệm Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Đình Giót đã được khởi công vào tháng 2/2024 và đang trong quá trình xây dựng. Công trình do Bộ Tài nguyên và Môi trường đứng ra kêu gọi, huy động nguồn lực xã hội hóa; thông qua kết nối của UBND tỉnh và Tỉnh đoàn Hà Tĩnh. Công trình gồm các hạng mục: nhà thờ thiết kế 3 gian bằng gỗ, nhà đón tiếp trưng bày, sân vườn, cải tạo cảnh quan giếng làng, bãi đỗ xe và các công trình phụ trợ khác.
Công trình khu lưu niệm Anh hùng lực Lượng vũ trang nhân dân Phan Đình Giót sẽ là “địa chỉ đỏ” - nơi tưởng nhớ và tri ân Anh hùng Phan Đình Giót, nơi giáo dục truyền thống cách mạng, lý tưởng cộng sản cho thế hệ trẻ.
Quê hương viết tiếp truyền thống cách mạng
Tự hào và kế thừa truyền thống cách mạng của cha ông, tiếp bước những cống hiến của Anh hùng Lực lượng vũ trang Phan Đình Giót, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Cẩm Quan (huyện Cẩm Xuyên) luôn phấn đấu thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới. Một trong những đổi thay dễ nhận thấy nhất đó là bộ mặt nông thôn mới.
Người dân thôn Chi Quan, xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm.Ông Nguyễn Huy Long, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Quan chia sẻ, Cẩm Quan là xã bán sơn địa, người dân chủ yếu sống nhờ đồng ruộng, chăn nuôi, trồng rừng. Tháng 10/2019, xã đạt chuẩn nông thôn mới, tuy nhiên, sau trận lũ lịch sử vào năm 2020 tàn phá hết mọi cảnh quan, hạ tầng được xây dựng. Đảng ủy, chính quyền và nhân dân đã khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế và vận dụng cơ chế, chính sách tiếp tục xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Đến cuối năm 2023, xã hoàn thành cơ bản các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong hai năm 2022 - 2023, nhân dân trong xã đã đóng góp hàng chục tỷ đồng xây dựng các công trình phúc lợi, giao thông nông thôn. Đặc biệt, phong trào hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới thực sự lan tỏa, được nhân dân hưởng ứng, góp phần không nhỏ giúp xã hoàn thành tiêu chí về đường giao thông nông thôn trong xây dựng nông thôn mới và thực hiện các dự án trọng điểm đi qua địa bàn như Cao tốc Bắc - Nam…
Tiêu biểu như việc mở rộng tuyến đường từ thôn Chi Quan đi thôn Tân Tiến dài 3 km, có trên 30 hộ dân bị ảnh hưởng, tất cả bà con đều đồng thuận, tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất, phá dỡ nhiều mét hàng rào và cổng kiên cố.
Ông Đặng Thế Hân, Trưởng thôn Chi Quan cho biết, nhiều hộ vừa mới xây cổng có giá trị trên 30 triệu đồng xong vẫn vui vẻ tự nguyện phá dỡ mở rộng đường. Đến nay, tuyến đường trục thôn được mở rộng từ 5 mét lên 9 mét, tạo bộ mặt giao thông nông thôn rộng, thoáng. Không những vậy, bà con chú trọng xây dựng những hàng rào xanh, tạo cảnh quan nông thôn trong lành.
Từ tinh thần xung kích của người dân, năm 2023, xã xây dựng được gần 2,5 km đường bê tông ngõ xóm, đạt 170% so với kế hoạch. Hệ thống mương, rãnh thoát nước, trục các lề đường được xây dựng kiên cố.
Địa phương huy động nguồn lực xây dựng hoàn thành các hạng mục tại Trường Mầm non, Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Phan Đình Giót như: Cổng, hàng rào, nhà ăn bán trú. Năm học 2023-2024, ngôi trường mang tên Anh hùng Phan Đình Giót - Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Phan Đình Giót được công nhận đạt chuẩn mức độ 2. Kết quả phổ cập giáo dục ở các cấp học, ở các độ tuổi được duy trì và đảm bảo; phong trào đoàn đội, hoạt động ngoại khóa được tổ chức ngày càng phong phú, bổ ích. Các thế hệ giáo viên, học sinh đang ra sức phấn đấu thi đua gặt nhiều thành tích, xứng đáng với ngôi trường mang tên Anh hùng Phan Đình Giót.