Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý IV/2021 là 5,3 triệu đồng, tăng 139 nghìn đồng so với quý trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,4 lần thu nhập bình quân của lao động nữ (6,2 triệu đồng so với 4,4 triệu đồng); thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao hơn lao động ở khu vực nông thôn 1,3 lần (6,3 triệu đồng so với 4,8 triệu đồng).
So với quý III/2021, quý đã chứng kiến mức thu nhập thấp nhất chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây, sang quý IV/2021 mức thu nhập bình quân của người lao động đã được cải thiện hơn (tăng 139 nghìn đồng/người/tháng).
Tuy nhiên, diễn biến phức tạp, kéo dài của dịch COVID-19 tác động sâu sắc đến đời sống của người lao động, so với cùng kỳ năm 2020 mức thu nhập của người lao động sụt giảm nghiêm trọng (giảm 624 nghìn đồng/người/tháng).
Thu nhập bình quân của người lao động tăng ở cả ba khu vực kinh tế so với quý trước. Người lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng có mức thu nhập bình quân tăng cao nhất, với mức thu nhập là 5,9 triệu đồng/người/tháng, tăng 130 nghìn đồng, tương ứng tăng 2,2% so với quý trước.
Lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức thu nhập bình quân là 3,4 triệu đồng, tăng 72 nghìn đồng, tương ứng tăng 2,1%. Lao động khu vực dịch vụ có mức thu nhập bình quân là 6,3 triệu đồng, tăng 108 nghìn đồng, tương ứng tăng 1,7%.
Tính chung năm 2021, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 5,7 triệu đồng, giảm 32 nghìn đồng so với năm 2020. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 6,6 triệu đồng, cao hơn 1,4 lần của lao động nữ (4,7 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động khu vực thành thị là 7 triệu đồng, cao hơn 1,4 lần mức thu nhập bình quân lao động khu vực nông thôn (5 triệu đồng).
Xét theo ngành kinh tế, so với năm 2020, lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì được mức độ tăng trưởng dương ổn định, với mức thu nhập bình quân tháng năm 2021 là 3,6 triệu đồng, tăng 7,1%, tương ứng tăng 236 nghìn đồng.
Thu nhập bình quân của lao động khu vực công nghiệp và xây dựng là 6,4 triệu đồng, giảm 201 nghìn đồng, tương ứng giảm 3% và lao động trong khu vực dịch vụ có mức thu nhập bình quân là 6,8 triệu đồng, giảm 27 nghìn đồng, tương ứng giảm 0,4%.
Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công ăn lương năm 2021 là 6,6 triệu đồng, giảm 45 nghìn đồng so với năm 2020. Lao động nam có mức thu nhập bình quân cao hơn 1,15 lần mức thu nhập bình quân của lao động nữ (7 triệu đồng so với 6 triệu đồng); lao động khu vực thành thị có thu nhập bình quân cao hơn 1,23 lần lao động khu vực nông thôn (7,3 triệu đồng so với 5,9 triệu đồng).
Về lao động có việc làm theo khu vực kinh tế trong năm 2021, số lao động có việc làm chính thức và phi chính thức đều giảm. Số lao động có việc làm phi chính thức là 19,8 triệu người, giảm 628 nghìn người, mức giảm này cao hơn so với mức giảm ở lao động có việc làm chính thức; số lao động có việc làm chính thức là 15,4 triệu người, giảm 469,8 nghìn người so với năm 2020.
Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức phi nông nghiệp năm 2021 là 56,2%, tương đương so với năm trước.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), trong quý IV/2021, các doanh nghiệp hoạt động trở lại, tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất nhằm sớm phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Thị trường lao động cuối năm có dấu hiệu phục hồi khi số người có việc làm, thu nhập bình quân tháng tăng, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm so với quý III/2021. Nhờ đó, thu nhập người lao động cải thiện hơn trước.Tuy vậy, tính chung cả năm 2021 thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, với tỷ lệ thất nghiệp năm nay cao hơn năm trước, trong đó: Tỷ lệ thất nghiệp lao động trong độ tuổi khu vực thành thị ở mức cao là 4,42%; tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,33%.
Do đó, Bộ LĐTBXH đã ban hành Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động với hàng loạt giải pháp nhằm thu hút lao động ngoại tỉnh quay lại thành phố làm việc, như: Hỗ trợ chi phí sinh hoạt tối thiểu, đi lại, y tế, hỗ trợ tiền mặt trực tiếp hoặc sắp xếp nơi ở tạm thời..;Chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, để kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động; tăng cường thực hiện các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tuyến; củng cố thị trường lao động ở những địa bàn chưa bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và có giải pháp khôi phục, phục hồi thị trường lao động ở các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch; thực hiện chính sách cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm…