Sức dân nơi tâm dịch TP Hồ Chí Minh - Bài 2: Chuyện '0 đồng' và nghĩa tình giữa mùa dịch

3 năm trước 462

Trong thời điểm khó khăn nhất, giữa lòng thành phố, nhiều hoạt động ý nghĩa, nhiều nghĩa cử đẹp, nhiều chương trình nghĩa tình hỗ trợ những người lao động khó khăn, lực lượng tình nguyện viên đã xuất hiện ..., thể hiện sự tương thân, tương ái, sẻ chia với tinh thần "lá lành đùm lá rách" cùng nhau vượt qua đại dịch.

Từ nhà ăn “0 đồng” trong bệnh viện…

Chú thích ảnhCác tình nguyện viên của Bếp ăn từ thiện Phú Long (huyện Nhà Bè - TP Hồ Chí Minh) chuẩn bị các xuất ăn phát cho người dân khó khăn. Ảnh: Hồng Giang/TTXVN

Cụm từ “0 đồng” cũng có nghĩa là mua bán sòng phẳng, không ai nợ ai và cũng không thuộc hình thức xin, cho, trao, tặng hay hỗ trợ, giúp đỡ… để được nhận lại hai từ “cảm ơn”. Đặc biệt hơn là những con người hành động "bằng cái tâm" mà không cần ai ghi nhận công lao. Đó cũng là tâm nguyện của tập thể Ban Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, thành phố Thủ Đức quyết định thành lập “nhà ăn 0 đồng” với tên gọi “Nhà ăn Hạnh phúc” từ khi có dấu hiệu dịch COVID-19 bùng phát trở lại vào đầu năm 2021, khi chứng kiến nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ăn bữa trưa ít ỏi, không đủ chất dinh dưỡng.

“Nhà ăn Hạnh phúc” được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong niềm vui của các tổ chức, cá nhân thiện nguyện cùng tập thể cán bộ, nhân viên y, bác sỹ Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Đặc biệt, nhiều người bệnh, thân nhân người bệnh xúc động khi biết nhà ăn không chỉ khang trang, sạch, đẹp mà còn hoàn toàn miễn phí, giúp được rất nhiều người an tâm hơn khi điều trị tại bệnh viện và an toàn hơn trong phòng, chống dịch COVID-19.

Theo bác sỹ chuyên khoa II Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, hằng ngày, Nhà ăn Hạnh phúc phục vụ miễn phí hơn 300 suất ăn mỗi bữa. Mỗi suất ăn gồm cơm, canh, món xào, món mặn, đủ cả gà, cá, vịt, thịt heo, bò, nước uống, trái cây … được thay đổi thường xuyên để giúp bệnh nhân ăn ngon miệng.

Để vận hành Nhà ăn Hạnh phúc và có những suất ăn mỗi ngày, Bệnh viện đã nhận được sự quan tâm, đồng hành và chia sẻ từ các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, đơn vị từ thiện hỗ trợ tích cực bằng nhiều hình thức, trong đó, có nhiều đơn vị nhận hỗ trợ lâu dài. “Ban đầu cũng chỉ bằng những tấm lòng, cái tâm của nhiều người góp lại sẻ chia khó khăn với người nghèo. Tuy nhiên, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội kéo dài hơn 4 tháng nay, việc làm này thật sự có giá trị và có ý nghĩa”, bác sỹ Trần Văn Khanh chia sẻ.
 
Bà Ngô Thanh Nga, ngụ tại thành phố Thủ Đức chăm sóc người nhà đang điều trị tại Bệnh viện cho biết, dịch COVID-19 khiến cuộc sống của nhiều người dân bên ngoài còn khó khăn huống chi người bệnh thiếu thốn đủ bề. Việc có những nhà ăn miễn phí đã giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhất là những bệnh nhân điều trị nội trú lâu ngày. “Nhà ăn Hạnh phúc không chỉ tiện lợi mà còn làm vơi đi phần nào nỗi lo lắng của những người ở trong bệnh viện. Chúng tôi an tâm hơn và còn tiết kiệm được một phần chi phí để lo thuốc men, chữa trị cho người thân”, bà Nga nói.

Trong những ngày giãn cách xã hội “ai ở đâu, ở yên đó”, “Nhà ăn Hạnh phúc” hàng ngày vẫn đảm bảo cung cấp hàng trăm suất ăn 0 đồng cho tất cả những ai trong bệnh viện có nhu cầu. Cán bộ, nhân viên, y bác sỹ Bệnh viên Lê Văn Thịnh cùng các nhà tài trợ, nhóm thiện nguyện cũng ấm lòng và hạnh phúc hơn vì được san sẻ những khó khăn chung, để vun đắp thêm câu chuyện tình người ở thành phố mang tên Bác giữa mùa dịch.
 
Tương tự, từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều cơ sở từ thiện như: bếp ăn từ thiện của Trung tâm Công tác xã hội thanh niên thành phố, nhóm từ thiện ngụ tại phường Phước Long A, thành phố Thủ Đức, nhóm thiện nguyện Hoa Sala… đã cung cấp hàng ngàn suất ăn “0 đồng” hỗ trợ các Trung tâm Y tế, bệnh viện Bệnh viện Bưu điện thành phố, Bệnh viện Dã chiến thành phố Thủ Đức, Bệnh viện Dã chiến số 3 An Khánh, Bệnh viện Quận 4, Trung tâm Y tế dự phòng quận Bình Thạnh, huyện Nhà Bè... Mặc dù gặp không ít trở ngại khi thành phố siết chặt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nhưng những bếp ăn 0 đồng luôn “đỏ lửa”. Những người thiện nguyện vẫn nỗ lực mang những suất ăn tiếp sức cho các bệnh nhân, trong đó có cả đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch….
 
… đến siêu thị “0 đồng” trong khu phong tỏa

Chú thích ảnhĐoàn viên thanh niên tình nguyện lựa chọn các loại hàng hoá 0 đồng theo đơn đặt hàng của các bạn sinh viên. Ảnh: Hồng Giang/TTXVN

Cụm từ “0 đồng” được sử dụng rất nhiều kể từ khi xuất hiện dịch COVID-19, nhất là từ đầu tháng 5/2021 dịch bệnh diễn biến phức tạp và giãn cách xã hội kéo dài. Đó là cái tâm của người làm từ thiện, mong được san sẻ, gánh bớt phần nào những khó khăn, nhất là đối với người nghèo, người gặp hoạn nạn bất ngờ trong thiên tai, dịch bệnh.

Theo chị Nguyễn Thị Mỹ Trang, cư dân chung cư The Easter City (6B) xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, siêu thị “0 đồng” hay gian hàng “0 đồng” trong các khu phong tỏa được hình thành từ như cầu thiết yếu của tất cả mọi người dân dù nghèo hay giàu; dù ở khu dân cư hay ở trong các chung cư, căn hộ, cao tầng. Các gian hàng, siêu thị “0 đồng” thường gồm các mặt hàng lương thực, thực phẩm, trứng, rau củ quả các loại và cả thịt, cá… 

Chị Trang cho biết, khi chung cư của chị bị phong tỏa, cách ly y tế tạm thời do có liên quan đến những ca F0, hơn 500 căn hộ với hơn 1.500 cư dân không khỏi bất ngờ và không kịp trữ lương thực, thực phẩm. Trong điều kiện "nội bất xuất, ngoại bất nhập", dự báo nhiều khó khăn sắp tới, Ban Quản lý chung cư đã lập đội tình nguyện bao gồm những người có kinh nghiệm để kết nối với bên ngoài, hỗ trợ mua rau, củ, quả, lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ bà con cư dân.

“Từ cách làm này, mỗi ngày, siêu thị “0 đồng” cung cấp hơn 10 loại rau củ như: cải ngọt, đậu cove, cải xanh, rau muống, cà tím, hành, ngò, chanh, sả, gừng cùng các loại bánh trái cây như chuối, mít, đu đủ, bánh mì, bánh ngọt... để bà con thay đổi khẩu vị. Có ngày, siêu thị còn tặng thêm khẩu trang, sữa, bánh, kẹo và cả đồ chơi cho trẻ do các gia đình đóng góp…”, chị Trang chia sẻ.

Chị Trang cho biết, ngoài đồng lòng chống dịch, bà con cư dân còn giúp nhau vượt khó; tự đóng góp nguồn quỹ mua rau xanh, quỹ phòng dịch... Qua đó, cộng đồng ngày càng gắn kết, yêu thương, gần gũi với nhau hơn...

Tương tự, tại block A chung cư Fuji Resident, phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức từ ngày bị phong tỏa, cư dân đã lập nhóm thiện nguyện với nhiệm vụ tìm nguồn cung lương thực, thực phẩm và vận chuyển cung cấp cho 16 tầng lầu để đảm bảo mọi người hạn chế di chuyển, “ai ở đâu, ở yên đó”.

Chị Lê Mỹ Hoàng cho biết, nguồn hàng có được là do vận động tài trợ từ chủ đầu tư, các cá nhân, tổ chức bên ngoài, cùng với sự đóng góp của một số cư dân có nguồn hàng "tiếp tế" từ quê nhà. Người có vài chục ký rau, vài ký cá khô, vài chục trứng, rau thơm, bún tươi, đậu hũ, trái cây gửi vào... nên hàng hóa trên các kệ luôn phong phú, giúp bữa ăn các gia đình luôn đủ đầy trong suốt những ngày phong tỏa. Những hoạt động tương thân, tương trợ qua siêu thị “0 đồng" góp phần cùng chia sẻ những khó khăn và cùng đồng lòng quyết tâm sớm vượt qua đại dịch COVID-19”.

Khi khu dân cư tổ 31, 32, khu phố 2 (Phường 11, Quận 3) bị phong tỏa do xuất hiện nhiều F0, người dân trong khu dân cư đã nhanh chóng thành lập gian hàng “0 đồng” để hỗ trợ nhu yếu phẩm cho gần 50 hộ gia đình tại đây. Hàng hóa hỗ trợ đa dạng, thường xuyên nên nhiều anh chị em tình nguyện luôn tất bật cắt gọt, rửa sạch sẽ, chia đều vào từng túi riêng trước khi phân phối đến tận cửa nhà. Anh Phạm Đăng Danh, tổ phòng chống dịch COVID-19 cộng đồng khu phố 2 cho biết, trường hợp nhà nhiều hộ, nhiều nhân khẩu được chia phần nhiều hơn hay có con cá, miếng thịt đều được san sẽ chia đôi; trái đu đủ, trái dừa hôm nay người này nhận thì hôm sau người khác nhận, tất cả đều răm rắp như trong quân ngũ. Thỉnh thoảng, những hộ có điều kiện đặt mua thêm 5 - 10 kg thịt heo hay bò, gà... chia cho mọi người nâng cao chất lượng bữa ăn.

Anh Danh kể lại, có hôm nhận được hộp cơm sau buổi cơm chiều, nhiều người tiết kiệm đã gom lại, giữ lạnh để sáng hôm sau chiên và chia cho mọi người. Nhiều gia đình còn san sẻ từ ổ bánh mì, tô phở, bún bò đến mớ rau, cân thịt... tạo thêm tình cảm ấm áp, đoàn kết, chăm sóc lẫn nhau, cùng vượt qua đại dịch.

Có lẽ vì thế mà ông Trần Hòa Nam, Bí thư Đảng ủy Phường 11 (Quận 3) cũng như rất nhiều lãnh đạo các địa phương khác vơi đi phần nào sự lo lắng khi người dân trong các khu vực phong tỏa đoàn kết, chia sẻ và nhất là chủ động trong việc đảm bảo đời sống an sinh xã hội. Ông Trần Hòa Nam cho biết, địa phương luôn ghi nhận và cảm ơn cả những tấm lòng từ các tập thể, các nhân đã cùng chung tay với chính quyền chăm lo cho người dân. Đồng thời, mong có thêm nhiều gian hàng, siêu thi “0 đồng” để người dân ở khu phong tỏa yên tâm và vững tin hơn, cùng vượt qua khó khăn, sớm đẩy lùi dịch bệnh mang lại cuộc sống bình yên cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Tình làng nghĩa xóm, tinh thần tương thân, tương trợ, nhường nhịn sẻ chia... giữa tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh đã giúp từng cộng động dân cư nhỏ xích lại gần nhau hơn, tiếp thêm sức mạnh cùng nhau vượt qua những ngày tháng khó khăn.

Bài 3: Những "chiến sỹ" xung kích ở mặt trận cơ sở

Nguồn bài viết