Sóc Trăng cần đề phòng các hiện tượng thiên tai cực đoan

2 năm trước 176
Chú thích ảnhThứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu kết luận buổi làm việc. 

Sóc Trăng là tỉnh ven biển thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, nằm cuối nguồn sông Hậu, có bờ biển dài 72 km với 93,76 km đê biển, gồm 3 tuyến: Cù Lao Dung dài 22,47 km; Trần Đề (nay là quốc lộ Nam Sông Hậu) dài 15,4 km; Vĩnh Châu dài 55,89 km và 160 cống; 65 tuyến kênh cấp 1 với 1.040km.

Thiên tai trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng những năm gần đây chủ yếu là ảnh hưởng của hoàn lưu bão, mưa dông, lốc, sét, sạt lở, triều cường, xâm nhập mặn... Đặc biệt, vào các năm 2015 – 2016 và mùa khô năm 2019 – 2020 hạn, mặn đã gây thiệt hại lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt của người dân. Ngoài ra, số lượng những cơn dông, lốc xoáy xảy ra ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp hơn ở hầu khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển những năm gần đây không theo quy luật, thời gian và địa điểm nên công tác phòng, chống gặp nhiều khó khăn.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam, tính đến ngày 31/12/2021 tỉnh đã chi hỗ trợ từ nguồn Quỹ Phòng, chống thiên tai gần 2 tỷ đồng cho hơn 230 hộ bị ảnh hưởng. Từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh đã hỗ trợ cho huyện Kế Sách số tiền 5,3 tỷ đồng khắc phục sạt lở đê cồn; huyện Long Phú 3,1 tỷ đồng khắc phục sạt lở bờ sông trên địa bàn xã Song Phụng, xã Phú Hữu. Tỉnh cũng triển khai nguồn vốn khẩn cấp của Thủ tướng Chính phủ chống hạn và xâm nhập mặn với số tiền 150 tỷ đồng thực hiện các công trình xây dựng, sửa chữa các cống, nạo vét các tuyến kênh...

Tại buổi làm việc, Sóc Trăng kiến nghị với Trung ương thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai cho lực lượng chuyên trách làm công tác phòng, chống thiên tai các cấp; đồng thời xây dựng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai riêng cho từng vùng miền trên địa bàn cả nước; tổ chức các đợt đào tạo, tập huấn, diễn tập nhằm nâng cao năng lực, kinh nghiệm cho lực lượng xung kích trong ứng phó, khắc phục thiên tai.

Hiện nay, lực lượng làm tác phòng, chống thiên tai tại các địa phương chủ yếu là kiêm nhiệm, tỉnh kiến nghị Trung ương nghiên cứu có các chế độ hỗ trợ kinh phí cho cán bộ làm công tác kiêm nhiệm này. Đồng thời, hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị để đảm bảo năng lực, đáp ứng yêu cầu ứng phó sự cố thiên tại, tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống bão, áp thấp nhiệt đới; tai nạn tàu, thuyền trên biển; sự cố vỡ đê; sự cổ tràn dầu...

Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đánh giá cao năng lực phòng, chống thiên của tỉnh Sóc Trăng. Đồng thời, đề nghị thời gian tới, tỉnh cần tăng cường công tác chỉ đạo trong công tác phòng, chống thiên tai, phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” từ lực lượng xung kích, dân quân tự vệ, tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo bằng đa dạng nhiều hình thức.

Cùng với đó, tỉnh cần cảnh giác, đề phòng các hiện tượng thiên tai cực đoan, đặc biệt là sạt lở đất; tăng cường diễn tập xử lý các tình huống thiên tai; thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử phạt các tổ chức, cá nhân có vi phạm các quy định về phòng, chống thiên tai theo quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều; tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng, cảnh báo sớm thiên tai cho cộng đồng, doanh nghiệp…

Trước đó, Đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế tình hình sạt lở bờ sông diễn ra tại xã An Mỹ, huyện Kế Sách, công trình xây dựng kè gia cố khu vực xã Thới An Hội và thị trấn Kế Sách.

Nguồn bài viết