Ra mắt Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP Hồ Chí Minh

2 năm trước 150
Chú thích ảnhCác đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Thành phố Hồ Chí Minh. 

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Thành phố Hồ Chí Minh được triển khai với phương châm công khai, minh bạch, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, nhằm đáp ứng đầy đủ các tính năng theo quy định của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. 

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Thành phố Hồ Chí Minh được kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia; Hệ thống xác thực, định danh điện tử để chia sẻ, xác thực thông tin công dân với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác của các bộ, ngành Trung ương nhằm cung cấp thông tin và tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu giải quyết các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, chính xác tại địa chỉ truy cập https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn/.

Chú thích ảnhLễ ra mắt Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Thành phố Hồ Chí Minh. 

Theo ông Lâm Đình Thắng, với hệ thống mới này, các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức sẽ được xác minh và cấp một tài khoản duy nhất, tài khoản này sử dụng thống nhất cho việc đăng ký trực tuyến dịch vụ công đối với tất cả các dịch vụ hành chính công các cấp, thông qua hệ thống hồ sơ điện tử thay thế cho các hình thức hồ sơ giấy thông thường được thực hiện trực tiếp tại cơ quan hành chính nhà nước.

Ngoài ra, nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính còn cung cấp công cụ theo dõi về tiến trình, nhật ký hồ sơ, ghi nhận tất cả nội dung trao đổi, giao dịch điện tử giúp cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trực tiếp theo dõi, giám sát hồ sơ của mình; đồng thời qua đó tạo thành công cụ để giám sát việc triển khai dịch vụ công của các cơ quan nhà nước.

Cụ thể, khi tham gia Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có thể đăng ký, theo dõi hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến; kịp thời nắm bắt các thông tin thay đổi thủ tục hành chính, cũng như thông tin công khai về tiến trình xử lý thủ tục hành chính. Người sử dụng hệ thống cũng được hỗ trợ giải đáp kịp thời bằng nhiều hình thức trực tuyến khác nhau với thời gian 24/7 thông qua Tổng đài 1022 nhánh số 2 hoặc phản ánh ý kiến trực tiếp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố. Đồng thời, người sử dụng được dùng dữ liệu hồ sơ điện tử trên cơ sở Kho dữ liệu từ các hồ sơ đã đăng ký và kết quả trực tuyến; Kho dữ liệu số hóa cá nhân; Kho dữ liệu từ hệ thống chứng thực pháp lý văn bản điện tử. Dữ liệu này sẽ được sử dụng lại cho các lần sử dụng dịch vụ công trực tuyến tiếp theo .

Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT - đơn vị cung cấp dịch vụ xây dựng, triển khai hệ thống) chia sẻ: Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng với năng lực đáp ứng dự kiến xử lý 17 triệu hồ sơ/năm, khoảng 2.200 cán bộ và khoảng 9 triệu người sử dụng. Hồ sơ thủ tục được số hóa, xử lý trên môi trường điện tử, không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Điều này có ý nghĩa lớn với Thành phố Hồ Chính Minh, nơi người dân có khả năng tiếp cận với công nghệ thông tin cao, là thành phố năng động, có sự đa dạng về cư dân sinh sống, làm việc trên địa bàn.

"Việc số hóa và kết nối, chia sẻ dữ liệu là điều kiện tiên quyết để có thể đánh giá chính xác và theo thời gian thực về chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công. Với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ được công khai, theo dõi và giám sát; đánh giá tổ chức, cá nhân một cách minh bạch, do vậy trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc xử lý công việc sẽ được nâng cao.", ông Huỳnh Quang Liêm phân tích thêm.

Chú thích ảnhÔng Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại lễ ra mắt. 

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố luôn xác định cải cách hành chính là công tác quan trọng, lấy sự hài lòng của người dân, sự phát triển của doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả cải cách hành chính, năng lực quản lý của cán bộ. Thành phố Hồ Chí Minh có dân số gần 10 triệu người, tính cả người dân vãng lai có phát sinh nhu cầu thực hiện thủ tục hành chính là khoảng 13 triệu người, nếu tiếp tục xử lý hồ sơ theo phương thức truyền thống thì dù cán bộ công chức cố gắng đến mấy cũng khó hoàn thành đúng thời hạn. Do đó, việc triển khai Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính là yêu cầu rất cấp thiết. 

Ông Phan Văn Mãi cũng nhấn mạnh, việc xây dựng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính chỉ là bước khởi đầu, quá trình vận hành có thể sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề vướng măc. Do đó, các sở, ngành, quận, huyện cần phối hợp chặt chẽ, có lộ trình và phương án đảm bảo an toàn hệ thống. 

Cụ thể, Sở Thông tin và Truyền thông cần tập trung nguồn lực, phối hợp với các sở, ngành, Văn phòng UBND Thành phố triển khai các đầu việc, xây dựng cơ sở dữ liệu chung của thành phố, kết nối với dữ liệu của Công an Thành phố và các sở, ngành khác; chuẩn bị nhân lực, thiết bị, giải pháp kỹ thuật, sẵn sàng giải quyết các vấn đề phát sinh.

Văn phòng UBND Thành phố thường xuyên rà soát, cập nhật các thủ tục hành chính lên hệ thống; cùng các sở, ngành, các quận, huyện tham mưu UBND Thành phố ban hành danh mục, phân loại, phân nhóm các thủ tục hành chính, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết; thực hiện phân cấp, phân quyền trong giải quyết thủ tục cho hợp lý.

Các sở, ngành, quận, huyện phối hợp với cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp biết để sử dụng dịch vụ; đồng thời tiếp nhận, lắng nghe ý kiến phản hồi của người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng hệ thống để kịp thời điều chỉnh, phục vụ tốt hơn.

Nguồn bài viết