Quảng Nam tập trung hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

2 năm trước 190
Chú thích ảnhBan tổ chức tặng quà cho người uy tín tiêu biểu tham gia hội nghị.

Trên 100 người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tham dự Hội nghị.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tinh Quảng Nam Trần Anh Tuấn và Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam A Lăng Mai đã giới thiệu những nét cơ bản của Nghị quyết số 12 của Tỉnh ủy Quảng Nam về việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; định hướng một số dự án quan trọng tại vùng Tây tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Thời gian qua, mặc dù được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước song nhìn chung đời sống của người dân miền núi của tỉnh Quảng Nam vẫn còn nhiều khó khăn, không tương xứng với sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước. Để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong thời gian tới, chính quyền các cấp ở Quảng Nam nói chung và các địa phương vùng miền núi của tỉnh cần nỗ lực, tập trung phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực, lợi thế của vùng để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, gắn với giảm nghèo bền vững, xây sựng nông thôn mới, bảo vệ và phát triển rừng, tài nguyên. Qua đó, thu hẹp dần khoảng cách về thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh so với bình quân chung của cả nước; đảm bảo cho người dân có thu nhập ổn định từ phát triển kinh tế rừng.

Cụ thể, Nghị quyết đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực miền núi giảm xuống còn dưới 8%, thu nhập bình quân đầu người bằng 1/2 bình quân chung của cả nước, lao động nông nghiệp chiếm khoảng 40% lao động xã hội, lao động qua đào tạo đạt trên 60%, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 70%… Tỉnh phấn đấu 66 xã của khu vực dân tộc miền núi đạt chuẩn nông thôn mới và ít nhất có 60% số thôn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 100% người dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế...

Để sớm đạt được các mục tiêu đã đề ra, Nghị quyết số 12 của Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ rõ cần tăng cường tuyên truyền từ tỉnh đến cơ sở về việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thông qua việc thực hiện các nhóm dự án quan trọng, chủ lực, nhằm tạo sự đồng thuận của toàn xã hội. Nghị quyết cũng nêu nhiệm vụ về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách về công tác sắp xếp dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi và việc tổ chức thực hiện, nâng cao hiệu quả các nhóm dự án quan trọng tại các huyện miền núi.

Từng huyện, xã phải căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương mình để đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Trên cơ sở quy hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh, Quảng Nam sẽ quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện… gắn với các cơ chế ưu đãi, thu hút đầu tại các huyện miền núi, ưu tiên dành quỹ đất cho các dự án phát triển nông nghiệp và nông thôn, du lịch tại các huyện miền núi. Đồng thời, tỉnh sẽ loại bỏ những nội dung quy hoạch không có tính khả thi, những công trình, bao gồm cả những dự án đã phê duyệt có sử dụng đất nhưng không triển khai, thực hiện.

Các cấp chính quyền tỉnh Quảng Nam thực hiện tốt các chính sách, chương trình dự án đã triển khai tại miền núi, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành các cơ chế chính sách mới phù hợp hơn với thực tế để tạo điều kiện, động lực hỗ trợ miền núi phát triển. Các sở, ban, ngành và hội đoàn thể tạo mọi điều kiện để các địa phương miền núi của tỉnh phát triển sản xuất thông qua các dự án phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp theo chuỗi gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững; đa dạng hóa nguồn nhân lực đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Chính quyền các cấp đẩy mạnh giải pháp phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho lao động khu vực miền núi.

Tỉnh Quảng Nam cũng tập trung thực hiện tốt các nhóm dự án quan trọng tại các địa phương miền núi của tỉnh gồm: Bảo vệ rừng, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế rừng và lâm sản ngoài gỗ; sắp xếp dân cư, ổn định chỗ ở phòng tránh thiên tai và biến đổi khí hậu; phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm; phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng và nhóm dự án về phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn đề nghị các già làng, trưởng bản, người có uy tín tại các thôn, bản cần nắm rõ các chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 12 của Tỉnh ủy để tuyên truyền cho nhân dân tại các địa phương. Qua đó tạo động lực để người dân an tâm đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bản thân và gia đình, góp phần xây dựng kinh tế - xã hội của vùng đồng bào miền núi của tỉnh ngày càng phát triển.

Nguồn bài viết