Phụ nữ Khánh Hòa hỗ trợ nhau phát triển kinh tế

2 tuần trước 16
Chú thích ảnhRừng keo được người dân trồng ven đường Quốc lộ 27C cho khả năng kinh tế cao, góp phần phủ xanh đồi trống, đất trọc tại huyện Khánh Vĩnh.

Tận dụng nguồn vốn vay phát triển kinh tế

Với 1 ha đất trồng cây keo gần 4 năm tuổi tại vùng núi xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh, chị Dương Thị Thanh Quý, người dân tộc Tày hiện nay có cuộc sống khá ổn định. Chị Quý cho biết, hàng ngày ngoài việc nội trợ gia đình, đến mùa cây keo phát triển chị có thêm công việc chăm sóc vườn keo, tỉa, làm cỏ ở rẫy. Để có được vườn keo như hiện nay, chị được tổ vay vốn Hội phụ nữ ở huyện kết nối nguồn vốn vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Khánh Vĩnh. Nguồn vốn không lớn, nhưng giải quyết được nhu cầu kịp thời dòng tiền để làm ăn cho gia đình.

Từ ngày có rẫy keo làm tài sản, hai vợ chồng chị Quý gắn kết hơn. Bản thân chị cũng tự tin hơn trong gia đình, làm chủ được cuộc sống và chăm lo cho các con ăn học.

Không riêng gì chị Quý mà hàng ngàn chị em phụ nữ tỉnh Khánh Hòa thông qua các chương trình vay vốn ủy thác từ Hội Phụ nữ đã có cơ hội tiếp xúc với nguồn vốn lãi suất ưu đãi. Từ đó, làm ăn phát triển kinh tế gia đình, tạo được phong trào ở mỗi địa phương.

Theo báo cáo của Hội Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa, đến tháng 9/2024 tổng số hộ phụ nữ nghèo của tỉnh là 7.012/7.298 hộ (chiếm 96,1% hộ nghèo toàn tỉnh); tổng số hộ phụ nữ cận nghèo là 11.826/12.229 hộ (chiếm 97% hộ cận nghèo toàn tỉnh). Với số liệu đã thống kê được, những năm qua, các đơn vị chủ động đăng ký giúp 100% hộ phụ nữ nghèo có khả năng thoát nghèo và hộ phụ nữ cận nghèo thông qua các phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Trao phương tiện sinh kế”, “5 hội viên khá giúp 1 hội viên khó”… Kết quả, các cấp Hội đã giúp 3.426/5.000 hộ, góp phần thực hiện có hiệu quả phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” và Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Ngoài ra, các cấp Hội chủ động, khai thác, vận động các nguồn lực trao tặng 1.015 phương tiện sinh kế cho hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ khuyết tật, hộ gia đình chính sách ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh phù hợp với nhu cầu của các chị, giúp các chị chủ động làm ăn để vượt qua khó khăn với tổng giá trị gần 2,5 tỷ đồng...

Bà Nguyễn Hoàng Vân Hạ, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa cho biết, tính đến nay, tổng dư nợ nguồn ủy thác do các cấp hội quản lý là 2.131 tỷ đồng; có 54.842 hộ vay thông qua 1.191 tổ, nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,19%. Có thể nói, các hoạt động của Hội đã mang lại kết quả tích cực, phát huy được nội lực của hội viên, phụ nữ, tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và phù hợp với nhu cầu thực tiễn, góp phần hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng.

Hỗ trợ chị em khởi nghiệp

Đối với phong trào khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa tổ chức nhiều hoạt động, cuộc thi như “Phụ nữ khởi nghiệp - Phát huy tài nguyên bản địa năm 2023”. Từ đây 1 dự án của của câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật tại huyện Vạn Ninh đạt giải Khuyến khích cấp vùng - khu vực miền Trung năm 2023.

Chị Lê Thị Mỹ Linh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật huyện Vạn Ninh cho biết, nhờ sự động viên của gia đình, tập thể chị em và ý chí vươn lên hoàn cảnh của mỗi người, các chị em trong câu lạc bộ không ngại khó khăn, gian khổ tự mình làm kinh tế, lo cho bản thân và gia đình. Với các chị, khuyết tật nhưng vẫn là những con người có ích cho xã hội.

Chia sẻ về quá trình làm gối đinh lăng, chị Mỹ Linh cho biết, đây là sản phẩm thủ công hoàn toàn của chị em trong câu lạc bộ. Tuy nhiên, đầu ra hiện nay thực sự rất khó. Chị Mỹ Linh đang cố gắng tìm đầu ra cho sản phẩm để quay vòng vốn, mua sắm một số thiết bị như máy may, máy sấy để quy trình sản xuất đạt hiệu quả cao hơn. Tuy gặp khó khăn về thị trường, nhưng câu lạc bộ của chị có cơ hội cao bởi đây là sản phẩm tiên phong, đầu tiên trên thị trường.

“Trong thời gian tới, chúng tôi cố gắng mở rộng hình thức phân phối sản phẩm trên các kênh mạng xã hội và kênh thương mại điện tử”, chị Mỹ Linh dự định.

Bà Nguyễn Mỹ Huệ, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân nữ tỉnh Khánh Hòa cho rằng, chị em phụ nữ hiện nay rất sẵn sàng giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, bao gồm hỗ trợ về tài chính, nguồn lực nhân sự, kiến thức… Đối với vấn đề vốn, bà Huệ cho rằng, rất nhiều đơn vị doanh nghiệp do nữ làm chủ hiện nay có tài sản lớn, không hiện hữu, hoặc không đủ tư cách pháp nhân để thế chấp vay vốn, ví như là nuôi tôm hùm dưới nước, không một giấy tờ đảm bảo.

Kiến nghị của bà Huệ cũng như rất nhiều chị em khác là cần được tỉnh Khánh Hòa quan tâm tạo điều kiện được nguồn vốn thuận lợi. Đối với vấn đề khởi nghiệp, hiện các chị em đã có sản phẩm tốt, nhưng việc đưa sản phẩm ra thị trường cần rất nhiều khâu, công đoạn, giấy chứng nhận… Điều này khá khó với chị em ở vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn. Vậy nên, rất cần những tư vấn, tập huấn, hội thảo liên quan vấn đề này để các chị em cùng nắm rõ, dễ thực hiện.

Ngoài các chương trình trên, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Khánh Hòa cũng chú trọng hỗ trợ phụ nữ tham gia kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác và tạo việc làm cho lao động nữ. Hiện nay, các cấp Hội tiếp tục duy trì, hỗ trợ hoạt động cho 34 tổ hợp tác, 30 tổ liên kết; trong đó đã hỗ trợ 23 thành viên thuộc 7 tổ hợp tác được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng để có điều kiện đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tham gia phát triển kinh tế với số tiền 1,130 triệu đồng.

Bà Nguyễn Hoàng Vân Hạ, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa khẳng định: Bằng những hoạt động, việc làm thiết thực, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh luôn là địa chỉ tin cậy, đồng hành cùng chị em hội viên phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, vươn lên làm giàu và ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong xã hội. Qua đây, đóng góp cho nền kinh tế của tỉnh Khánh Hòa, tạo nên những bước phát triển đột phá, đạt nhiều kết quả tích cực.

Nguồn bài viết