Phụ huynh Việt: Tự tin dạy con về tiền, nhưng cần giáo trình bài bản

3 năm trước 315

Theo khảo sát được Eastspring thực hiện năm 2020 trên gần 10.000 người đến từ 9 quốc gia châu Á về việc giáo dục tài chính cho trẻ, 95% người tham gia khảo sát cho rằng việc dạy con dùng và quản lý tiền là quan trọng. Tuy nhiên, hơn 51% không biết mình đã dạy con đúng cách hay chưa và 43% phụ huynh muốn tự học thêm về kỹ năng quản lý tài chính để dạy con tốt hơn. Phụ huynh Việt Nam đứng thứ 3 trong nhóm phụ huynh có điểm tự tin dạy con về tiền cao nhất trong các nước khảo sát, chỉ sau Indonesia và Thái Lan.

Chú thích ảnh

Nối tiếp kết quả khảo sát của khu vực, tháng 5 năm 2021, Prudential Việt Nam thực hiện nghiên cứu định tính về nhận thức, thực trạng và nỗi lo của phụ huynh Việt Nam khi dạy con về tiền. Kết quả nghiên cứu trên nhóm phụ huynh tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho thấy:

Về nhận thức, có 2 nhóm phụ huynh với luồng quan điểm trái ngược. Nhóm phụ huynh truyền thống cho rằng việc dạy con quản lý tiền ở độ tuổi nhỏ không quan trọng bằng việc học văn hóa. Nhóm phụ huynh hiện đại thường áp dụng các khuyến khích con học thêm các kỹ năng mềm, trong đó có kỹ năng về quản lý tiền bạc. Đặc điểm của nhóm thứ nhất là các phụ huynh thường áp dụng tính kỷ luật cao khi dạy con quản lý tiền bạc, và không cho con cầm tiền sớm. Ngược lại, nhóm thứ hai theo đuổi cách dạy con cởi mở, để quyền chủ động cho con và cho con quản lý tiền bạc từ sớm. Điểm chung ở cả hai nhóm là các cha mẹ đều cho rằng con cần có nhận thức đúng đắn và hiểu giá trị đồng tiền.

Về thực trạng dạy con kiến thức quản lý tiền, cả hai nhóm đều đang áp dụng những cách thức chung như: thông qua các hoạt động mua sắm, chi tiêu gia đình hoặc hoạt động thiện nguyện. Các phụ huynh cũng thường dạy con về tiền qua các bài học ngẫu nhiên trong đời sống hoặc dựa trên khoản tiền con nhận được từ lì xì, khen thưởng. Điểm khác biệt duy nhất là nhóm phụ huynh hiện đại có xu hướng để con sở hữu và quản lý tiền của mình sớm hơn so với nhóm truyền thống khoảng 3-4 năm.

Chia sẻ về những nỗi lo và mối quan tâm, các phụ huynh đều cho rằng nếu không được hiểu đúng giá trị đồng tiền, trẻ sẽ có thái độ và hành vi không tốt trong tương lai như tiêu xài hoang phí hoặc quá ham mê vật chất. Rào cản lớn nhất mà các phụ huynh gặp phải khi dạy con về tiền là không có giáo trình bài bản, kỹ năng và môi trường cho các con học và thực hành. Các bậc phụ huynh tham gia nghiên cứu mong đợi nhà trường sẽ đưa vào các giáo trình giảng dạy về tài chính một cách có hệ thống và áp dụng cách truyền đạt phù hợp với từng độ tuổi của trẻ.

Chú thích ảnh

Ông Ngô Thế Triệu – CEO Eastspring Việt Nam chia sẻ: “Kết quả nghiên cứu định tính và định lượng của Prudential và Eastspring Investments đang cho thấy phụ huynh Việt Nam khá tự tin khi dạy con về tiền nhưng chủ yếu dựa trên kinh nghiệm cá nhân hơn là theo một chương trình giáo dục có tính tiêu chuẩn cao. Money Parenting (Dạy con về tiền) được kỳ vọng giúp các bậc cha mẹ tự trang bị kiến thức và kỹ năng để dạy con hiệu quả hơn.”

Chia sẻ về mục đích thực hiện nghiên cứu, ông Phương Tiến Minh – CEO Prudential Việt Nam cho biết: “Mục tiêu của Prudential hướng đến trang bị những kiến thức về tài chính cho trẻ từ sớm để xây dựng nền tảng vững chắc cho một thế hệ hiểu biết, độc lập tài chính trong tương lai. Nghiên cứu này cho thấy để làm được điều đó, chúng tôi cần cung cấp một nguồn kiến thức mở để nhà trường và các phụ huynh có thể dễ dàng áp dụng. Dự án Cha-Ching là một trong những hành động cụ thể mà Prudential đã và đang thực hiện vì mục tiêu đó.”

Trong năm học 2020-2021, dự án giáo dục tài chính cho trẻ nhỏ Cha-Ching đã được triển khai trên 72 trường tiểu học tại địa bàn Hà Nội và Hưng Yên, giúp trang bị kiến thức cho 18,000 học sinh khối 4-5 và hơn 500 giáo viên về 4 kỹ năng cơ bản: Kiếm tiền, Tiết kiệm, Tiêu tiền, Quyên góp. Dự án sẽ tiếp tục được triển khai trong các năm học tiếp theo với quy mô ngày một lớn hơn.

Nguồn bài viết