Lễ hội Trung Thu Phố cổ Hà Nội gồm nhiều hoạt động hấp dẫn, trải dài từ nay đến ngày 29/9 (ngày 15/8 âm lịch), với nhiều hoạt động hấp dẫn. Không gian của Lễ hội kéo dài từ chợ Trung thu truyền thống Hàng Mã, khu vực chợ Đồng Xuân, kết hợp với tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Hàng Giấy, không gian bích họa phố Phùng Hưng, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, 6 phố trong khu bảo tồn cấp 1 Phố cổ Hà Nội và tại các điểm di sản văn hóa.
Nhiều phong phú, hấp dẫn tại Lễ hội được tổ chức như: Các gian hàng, quầy hàng trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm phục vụ Trung Thu, đồ chơi cho thiếu nhi; biểu diễn văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian; thi bày mâm cỗ; thi rước đèn đêm trăng của thiếu nhi 18 phường trên địa bàn quận; hoạt động phá cỗ đêm rằm Trung Thu. Đặc biệt, sân khấu của đêm rằm Trung Thu năm nay được trang trí lung linh bằng hệ thống đèn chiếu sáng rực rỡ muôn sắc màu, các em thiếu nhi được thấy chị Hằng Nga và chú Cuội trong câu chuyện cổ tích được tái hiện trong vở nhạc kịch “Thằng Bờm”.
Các điểm di sản trong khu Phố cổ Hà Nội sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: Trưng bày, giới thiệu không gian Tết Trung Thu truyền thống; hướng dẫn làm các loại đồ chơi truyền thống như: Ông Tiến sĩ, ông đánh gậy, đèn Trung Thu, biểu diễn múa rối cạn, tổ chức cho thiếu nhi vui Tết Trung Thu.
Tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn bày tỏ: Lễ hội Trung Thu Phố cổ được tổ chức hàng năm có ý nghĩa thiết thực nhằm tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần gìn giữ giá trị lịch sử văn hóa quốc gia khu Phố cổ Hà Nội, phát triển không gian văn hóa mang tính cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và khách du lịch. Việc tổ chức Lễ hội Trung Thu Phố cổ năm 2023 thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành đoàn thể của thành phố, của quận Hoàn Kiếm, UBND các phường và các đơn vị đối với công tác chăm lo giáo dục trẻ em, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho thiếu nhi trong dịp Tết Trung Thu cổ truyền của dân tộc.
Trong sáng 22/9, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội khai mạc các hoạt động Tết Trung Thu truyền thống tại các điểm di sản trong khu Phố cổ Hà Nội. Tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, số 50 phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I – Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước giới thiệu bộ ảnh và tư liệu chủ đề “Trở về Trung Thu xưa”. Tại đây giới thiệu không gian sắp đặt vui Tết Trung Thu cho trẻ em qua các sản phẩm đồ chơi Trung Thu truyền thống. Tại Ngôi nhà di sản, số 87 Mã Mây, phường Hàng Buồm, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội giới thiệu không gian gia đình Hà Nội đón Tết Trung Thu. Tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, 22 Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, chương trình biểu diễn rối cạn Tế Tiêu, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã diễn ra. Tại đình Đồng lạc, 38 Hàng Đào, phường Hàng Đào sắp đặt không gian Tết Trung Thu; giới thiệu, hướng dẫn làm đồ chơi truyền thống xưa và nay.
Các điểm di sản diễn ra các hoạt động trải nghiệm giới thiệu và hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống. Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với các nghệ nhân, thợ thủ công tới từ các làng nghề lân cận Hà Nội giới thiệu và hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống tại khu phố cổ nhân dịp Tết Trung Thu. Đó là hoạt động trải nghiệm làm con giống bột “Lớp học tò he” do nghệ nhân Đặng Văn Hậu, làng Xuân La, Phú Xuyên, Hà Nội hướng dẫn; hoạt động trải nghiệm làm đèn ông sao truyền thống “Lồng đèn đón trăng” do nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội hướng dẫn; tổ chức không gian trải nghiệm làm các sản phẩm đồ chơi Trung Thu truyền thống mặt nạ bồi, làm và trang trí diều giấy, chơi trò chơi Trí Uẩn; giới thiệu và hướng dẫn làm bánh Trung Thu truyền thống.
Tại Không gian bích họa phố Phùng Hưng, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với nghệ nhân, thợ thủ công của các làng nghề lân cận Hà Nội tham gia trưng bày, trình diễn giới thiệu các sản phẩm đồ chơi truyền thống dịp Tết Trung Thu và tổ chức không gian tương tác, hướng dẫn các trò chơi dân gian: Chơi ô ăn quan, cướp cờ, đánh chuyền, kéo co, bịt mắt bắt dê, cà kheo, múa sạp, nhảy bao bố, nhảy lò cò…
Lễ hội Trung Thu phố cổ đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân quận Hoàn Kiếm, nhất là từ khi Khu phố cổ Hà Nội được công nhận là Di sản văn hóa quốc gia. Hàng năm, cứ vào dịp Tết Trung Thu, nơi đây lại thêm nhộn nhịp, tưng bừng khi diễn ra Lễ hội Trung Thu Phố cổ, mua sắm tại chợ Trung Thu truyền thống Hàng Mã.