Phát huy lợi thế địa phương
Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Minh Sơn (Đại học Công nghệ Thông tin TP Hồ Chí Minh), công nghiệp vi mạch là ngành chủ lực của một quốc gia. Việt Nam đã bắt đầu để hiện thực hóa mong muốn tham gia chuỗi vi mạch bán dẫn toàn cầu, đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ hơn giữa hệ thống đào tạo với doanh nghiệp; trong đó, nền tảng đào tạo ra những sinh viên, kỹ sư ưu tú rất quan trọng.
Ngay đầu năm 2024, Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) và Công ty Sun Edu đã hợp tác thành lập Trung tâm vi mạch bán dẫn, đánh dấu bước phát triển mới trong hợp tác giữa cơ sở đào tạo, nghiên cứu và doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Trung tâm sẽ đào tạo nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của Đồng Nai.
Thực tế, Đồng Nai có nhiều lợi thế phát triển công nghiệp này, đó là vị trí địa lý thuận lợi, kết nối giao thông tốt, nguồn nhân lực dồi dào, nhiều doanh nghiệp công nghệ cao đang hoạt động. Tháng 10/2023, Tập đoàn Coherent (Hoa Kỳ) đã làm việc với tỉnh về đề xuất triển khai các dự án trong lĩnh vực quang học, bán dẫn; khả năng đáp ứng nguồn lao động lĩnh vực điện tử, bán dẫn cho các dự án công nghệ cao đầu tư vào Đồng Nai.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng cho biết, tỉnh đã và đang tập trung phát triển hạ tầng, thu hút, chuyển giao khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực khoa học công nghệ. Tỉnh cũng xây dựng cơ chế chính sách phát triển ngành vi mạch bán dẫn, với mục tiêu cơ chế, chính sách thông thoáng, phát triển hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh song song với thu hút đầu tư.
Cùng với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2020 – 2025 và quy hoạch tỉnh Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Bình Dương sẽ trở thành trung tâm công nghiệp của vùng Đông Nam bộ và cả nước, trở thành thành phố thông minh với nền tảng là công nghiệp - dịch vụ chất lượng cao, kinh tế số. Việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trở thành một trong những yêu cầu, nhiệm vụ chiến lược vừa cấp bách, vừa lâu dài.
Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng, vi mạch bán dẫn là một trong những ngành công nghiệp nền tảng quan trọng. Việc tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp vi mạch bán dẫn là một yêu cầu khách quan, cũng là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong các giai đoạn tiếp theo.
“Phát triển nhân lực có trình độ, chuyên môn cao trong ngành là rất quan trọng, cần được thực hiện nhanh và toàn diện từ nghiên cứu cơ bản, đến đội ngũ quản lý, giảng dạy, đào tạo và thực hành, liên kết sâu rộng với nguồn lực hỗ trợ từ đội ngũ chuyên gia trong nước và quốc tế”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà chia sẻ.
Đào tạo nhân lực, đón đầu xu thế
Công nghệ vi mạch bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử. Đây là ngành kinh tế có quy mô hàng tỷ đô, thế nhưng hiện đang đối mặt với sự thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng. Để hiện thực hóa thành công chiến lược bán dẫn, yếu tố quyết định chính là nguồn nhân lực.
Các chuyên gia phân tích, để đi nhanh, bắt kịp các nước trong ngành này, Việt Nam cần có cách tiếp cận đột phá, đi thẳng vào khâu thiết kế, bao gồm thiết kế sản phẩm và thiết kế vi mạch. Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể để phát triển nguồn nhân lực trong nước, cùng với chính sách thu hút các chuyên gia, nhà khoa học là người Việt Nam ở các nước phát triển nhằm nhanh chóng tiếp thu, chuyển giao công nghệ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong nước.
Thực tế thời gian qua, Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đã kết nối với doanh nghiệp để triển khai các hoạt động đào tạo nhân lực cho ngành này, không chỉ cho thành phố mà còn cho các địa phương khác. Cụ thể, Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao đã hợp tác với Công ty Sun Electronics để thành lập Trung tâm Điện tử và vi mạch bán dẫn (ESC). Đây là công ty khởi nghiệp lĩnh vực điện tử do các chuyên gia người Việt tại Silicon Valley và các trí thức, chuyên gia, doanh nhân trong nước đồng sáng lập.
Chỉ trong thời gian ngắn, với sự hỗ trợ từ Khu Công nghệ cao, Công ty Sun Edu (thành viên của Sun Electronics) đã lần lượt hợp tác với các trường đại học Lạc Hồng (Đồng Nai), Thủ Dầu Một (Bình Dương), Duy Tân (Đà Nẵng)… để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Trong số đó, Trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn đã được hình thành tại Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai), định hướng trở thành đơn vị đào tạo uy tín, chất lượng, làm đầu mối thực hiện các đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực bán dẫn, vi mạch, chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến trong lĩnh vực như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hoa Kỳ…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng kỳ vọng, Trung tâm sẽ thúc đẩy phát triển hệ sinh thái bán dẫn và tạo thêm động lực, sức hút mới để tăng cường thu hút đầu tư công nghệ cao tại Đồng Nai và khu vực. Tỉnh sẽ có cơ chế, chính sách khuyến khích các trường nghiên cứu cơ bản, đào tạo nhân lực chất lượng cao sau đại học để dẫn dắt sự phát triển của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn; tạo ra nhu cầu nhân lực cho công nghiệp vi mạch bán dẫn thông qua thúc đẩy chuyển đổi số.
“Tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ đầu tư hạ tầng hiện đại nhất cho các trường đại học, kết hợp doanh nghiệp đào tạo nhân lực để nắm vững cả chuỗi giá trị của công nghiệp vi mạch bán dẫn. Đây là đầu tư cho phát triển, cho tương lai”, ông Nguyễn Sơn Hùng cho biết.
Tại Bình Dương, Công ty Sun Edu và Trường Đại học Thủ Dầu Một cũng đã hợp tác và khai giảng khóa đầu tiên đào tạo về vi mạch bán dẫn ngay những ngày đầu năm 2024. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết, khóa đào tạo tập trung vào việc hướng dẫn và huấn luyện kỹ thuật trên phần mềm thiết kế vi mạch nổi tiếng của Synopsys, tạo cơ hội cho các giảng viên nắm vững và ứng dụng kiến thức hiện đại vào giảng dạy và nghiên cứu.
“Những giảng viên này là nguồn lực nòng cốt có thể đào tạo những tài năng tiên phong cho lực lượng lao động tương lai trong ngành bán dẫn không chỉ của tỉnh Bình Dương mà còn cho các khu vực lân cận, góp phần phát triển hệ sinh thái vi mạch bán dẫn tại Bình Dương, vùng Đông Nam Bộ và cả nước”, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường kỳ vọng.
Chỉ trong thời gian rất ngắn, nhiều tập đoàn công nghệ đã đến tìm hiểu, đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam. Nhiều hoạt động về đào tạo nhân lực cho ngành này cũng được triển khai ở các địa phương. Đây là xu hướng phát triển của thế giới và là cơ hội để Việt Nam đón làn sóng đầu tư lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn trong thời gian tới.