Phát triển bền vững du lịch văn hóa và du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên

1 năm trước 89
Chú thích ảnhQuang cảnh Hội thảo. 

Các tham luận gửi đến Hội thảo và các tham luận được trình bày cùng các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo đã đánh giá, luận giải một cách khách quan, khoa học và thẳng thắn những vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển bền vững du lịch văn hóa và du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung bàn luận về quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển bền vững du lịch văn hóa và du lịch sinh thái; tiềm năng lợi thế và khai thác, sử dụng các nguồn lực cho phát triển du lịch văn hóa và du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên; định vị sản phẩm và liên kết xúc tiến quảng bá nhằm phát triển bền vững du lịch vùng Tây Nguyên; cơ hội, thách thức và những vấn đề đặt ra trong phát triển bền vững du lịch văn hóa và du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hiện nay; định hướng, giải pháp phát triển bền vững du lịch văn hóa, du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên...

Vùng Tây Nguyên là một vùng đất có nhiều tiềm năng và lợi thế cho phát triển du lịch văn hóa và du lịch sinh thái. Vùng này có đa dạng về địa hình, khí hậu, sinh thái, có nhiều di sản văn hóa, lịch sử, có nhiều đặc sản, sản vật quý hiếm, có nhiều lễ hội, nghi lễ, phong tục, tập quán độc đáo của các dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, du lịch vùng Tây Nguyên cũng đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức, như hạ tầng giao thông chưa phát triển, cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch chưa đáp ứng nhu cầu, nguồn nhân lực du lịch chưa chuyên nghiệp, sản phẩm du lịch chưa đa dạng, chất lượng, có sức cạnh tranh, quảng bá, xúc tiến du lịch chưa hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, sinh thái chưa được chú trọng…

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đoàn Triệu Long, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, để phát triển bền vững du lịch văn hóa và du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên, cần phải có sự đồng thuận, liên kết, hợp tác giữa các cấp, các ngành, các địa phương, cũng như giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi người trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, sinh thái của vùng đất này là rất quan trọng.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp cụ thể để phát triển bền vững du lịch văn hóa và du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên, trong đó có: Hoàn thiện các chủ trương, chính sách tạo động lực cho phát triển du lịch, như hỗ trợ tài chính, thuế, đất đai, tín dụng, bảo hiểm, đầu tư công, hợp tác xã, hợp tác kinh tế, hợp tác xã hội. Huy động, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch, như cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí, hệ thống hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc, an ninh, y tế.

Cùng với đó, vùng cần đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, nhất là nguồn nhân lực tại chỗ, nguồn nhân lực từ đồng bào các dân tộc thiểu số, lao động trực tiếp là người dân địa phương tham gia làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch; chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, chất lượng, có sức cạnh tranh cao; duy trì các tuyến, điểm, sản phẩm du lịch sẵn có, tiếp tục triển khai lựa chọn đầu tư xây dựng những sản phẩm du lịch, các tuyến, điểm, chương trình du lịch mới ở các địa địa phương; tăng cường công tác truyền thông, mở rộng quảng bá nhằm khai thác thị trường khách du lịch lịch quốc tế và nội địa.

Vùng tập trung liên kết ở các quy mô và cấp độ khác nhau trong phát triển kinh tế cũng như trong phát triển du lịch bền vững du lịch văn hóa, du lịch sinh thái; gắn với công tác bảo vệ môi trường sinh thái, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hoạt động làm tổn hại đến môi trường trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, nhất là môi trường tại các điểm du lịch và các cơ sở lưu trú.

Phát biểu tại Hội thảo, anh Đinh A Ngưi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Du lịch A Ngưi (Gia Lai) cho rằng, để phát huy tiềm năng di sản văn hóa dân tộc tại chỗ để phát triển du lịch cộng đồng ở tỉnh Gia Lai, các cấp chính quyền cần có quy hoạch, kế hoạch và định hướng chung về phát triển du lịch Gia Lai, chỉ đạo sát sao trong công tác phát triển du lịch tỉnh; đồng thời, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, làng nghề truyền thống, khu du lịch ven trung tâm thành phố; khu du lịch tại các địa phương, cần xây dựng và làm điểm du lịch; ưu tiên phát triển nhóm sản phẩm chính như khu vui chơi, giải trí, ẩm thực mang đặc thù bản sắc Tây Nguyên hoặc nhóm sản phẩm du lịch mua sắm, như quà lưu niệm hay sản phẩm đặc sản, đặc biệt là nhóm sản phẩm du lịch sinh thái.

Đối với giải pháp phát triển du lịch cộng đồng, anh Ngưi cũng kiến nghị ngành Du lịch tỉnh Gia Lai cần đẩy mạnh làm tốt dịch vụ tham quan làng bản, nhà ở, nương rẫy, khu nhà mồ, nhà rông, bến nước, khu văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, nhất phải đẩy mạnh dịch vụ lưu trú, tăng cường kết hợp với người dân để quảng bá các dịch vụ tham quan và trải nghiệm kết hợp du lịch trải nghiệm văn hóa, trải nghiệm nông nghiệp và du lịch thiên nhiên (cụ thể vườn quốc gia Kon Ka Kinh, khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng).

Trên cơ sở các tham luận và các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo, Ban Tổ chức Hội thảo tổng hợp và chắt lọc để đề xuất kiến nghị với các cơ quan Trung ương và chính quyền các địa phương vùng Tây Nguyên về các giải pháp đột phá nhằm phát triển bền vững du lịch văn hóa, du lịch sinh thái trong bối cảnh mới.

Nguồn bài viết