Phát huy hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sau dịch

2 năm trước 186
Chú thích ảnhCông nhân lao động tại nhà xưởng Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng tại khu Công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Theo ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp sớm ổn định đời sống và khắc phục những hậu quả do đại dịch, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn tiền thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong 6 tháng đầu năm nay, các chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ đã hỗ trợ cho doanh nghiệp với số tiền ước tính gần 4.800 tỷ đồng

Đơn cử như Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến giảm thuế giá trị gia tăng 1.979 tỷ đồng.

Chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP về gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022 cũng làm giảm thu thuế giá trị gia tăng tháng 6 là 1.345 tỷ đồng.

Ngoài ra, một loạt chính sách hỗ trợ thuế trong thời gian qua như: giảm thuế bảo vệ môi trường; giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm tiền thuê đất... cũng được cơ quan thuế triển khai hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thời gian qua.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ thuế, chính sách hỗ trợ của ngành ngân hàng cũng góp phần giúp người dân, doanh nghiệp có thêm nguồn lực để trụ vững, phục hồi trong đại dịch COVID-19. Trong đó, các ngân hàng thương mại tập trung hỗ trợ 2 nhóm chủ yếu là giảm lãi suất và cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho thấy, trong nửa đầu năm nay, ngành ngân hàng thành phố đã tập trung cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, miễn, giảm lãi suất và cho vay mới với lãi suất thấp để doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng. Đến nay dư nợ hỗ trợ cho doanh nghiệp theo cơ chế Thông tư 01, 03 và Thông tư 14 của Ngân hàng nhà nước đạt 563.000 tỷ đồng cho gần 1,3 triệu khách hàng.

Song song đó, hoạt động cho vay ngắn hạn tiền đồng với lãi suất thấp đối với 5 nhóm ngành ưu tiên (doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; nông nghiệp và phát triển nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) đạt 202.000 tỷ đồng cho hơn 35.000 khách hàng. Đây được xem là chương trình mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp cũng như các nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, bởi lãi suất cho vay thấp và hiệu quả tín dụng mang lại rất cao cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, các chính sách gia hạn thuế, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất… vừa qua đã giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả tốt hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh các điều kiện vĩ mô đã và đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, độ trễ của những tác động từ diễn biến của thị trường hàng hóa thế giới đến giá xăng dầu và nguyên vật liệu đầu vào, nhất là nguy cơ lạm phát tăng cao…, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần sự phối hợp đồng bộ hơn giữa các bộ, ngành, địa phương. Nhu cầu vốn của doanh nghiệp là rất lớn, trong khi việc tiếp cận vốn tín dụng vẫn là điểm nghẽn của nhiều doanh nghiệp, chưa kể các ngân hàng đang cạn room tín dụng.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch, từ nay đến cuối năm 2022, ngành ngân hàng thành phố sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp về tiền tệ tín dụng ngân hàng. Trong đó, các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục quan tâm thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, các chương trình tín dụng của Ngân hàng Nhà nước và UBND TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng tích cực tham gia và thực hiện có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu vốn cho chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình hỗ trợ 2% lãi suất cho vay, góp phần ổn định chi phí cho doanh nghiệp, ổn định giá cả cũng như tích cực tham gia chương trình bình ổn thị trường của thành phố. Trong đó, các tổ chức tín dụng đã và đang tham gia chương trình tiếp tục thực hiện cho vay hiệu quả theo kế hoạch đề ra, giúp ổn định lãi suất để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường có điều kiện ổn định giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn.

Ngoài chính sách hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, UBND thành phố cũng đang xây dựng, triển khai nhiều chính sách như hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, đầu tư công nghệ để gia tăng năng suất, giảm thâm dụng lao động, chuyển đổi số nhằm tạo động lực tăng trưởng. Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh tập trung tháo gỡ thật nhanh những vướng mắc về cơ chế, thủ tục của các dự án để đưa đồng vốn lưu thông vào hoạt động sản xuất.

Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh sẽ cập nhật các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp; rà soát, tập trung triển khai kế hoạch cải cách hành chính..., giúp doanh nghiệp, người dân đẩy nhanh cơ hội phục hồi sau đại dịch.

Nguồn bài viết