Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh, vụ Đông năm nay, toàn tỉnh gieo trồng được 6.500 ha; trong đó, các loại cây màu chủ lực là khoai tây với 2.000 ha, cà rốt 1.350 ha, bí các loại 350 ha, cà chua 150 ha; rau màu các loại là trên 2.000 ha…
Huyện Gia Bình là một trong những địa phương trồng cà rốt lớn nhất tỉnh với trên 600 ha, hiện nông dân đã thu hoạch được hơn 300 ha. Sản lượng cà rốt năm nay ước đạt từ 1,5 -1,6 tấn/sào (360 m2), tuy nhiên hiện nay giá cà rốt đang có chiều hướng giảm thấp hơn so với thời gian đầu vụ.
Năm nay, gia đình anh Nguyễn Văn Cường, ở xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình trồng gần 4 ha cà rốt. Đến thời điểm này gia đình đã bán được trên 2 ha, tuy nhiên, do giá cà rốt đang giảm nên gần 2 ha còn lại anh chưa có ý định bán.
Anh Cường chia sẻ, vụ Đông năm 2021 gia đình anh trồng gần 4 ha, với giá bán từ 10-12 triệu đồng/sào, trừ chi phí lãi khoảng 200 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay, thời tiết không thuận lợi nên việc gieo trồng cà rốt gặp rất nhiều khó khăn nên cà rốt không được đẹp như mọi năm. Nếu như năm trước tại những chân ruộng tốt năng suất có thể đạt gần 2 tấn/sào nhưng năm nay chỉ đạt khoảng 1,5-1,6 tấn/sào.
“Thời điểm đầu vụ giá cà rốt tại vườn được bán với giá từ 9.000-10.000 đồng/kg, tuy nhiên, hiện nay do các địa phương thu hoạch rộ, cộng với cà rốt nhập khẩu về nhiều nên giá bán tại vườn chỉ còn từ 5.000-6.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá chi phí mặt bằng cộng với giá phân bón tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất của bà con”, anh Cường nói.
Nông dân xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, thu hoạch cà rốt. Ảnh: Thanh Thương/ TTXVNLo lắng vì giá cà rốt có thể tiếp tục xuống thấp nên gia đình anh Nguyễn Văn Lành, ở xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình đã bán gần hết 3 ha. Anh Lành cho biết, đầu vụ cà rốt được bán với giá 9.000 đồng/kg, trừ chi phí trung bình mỗi sào người dân sẽ thu lãi khoảng 5 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, với giá bán từ 5.000-6.000 như hiện nay, hầu như không có lãi. Đặc biệt, đối với những diện tích xấu bà con phải bù lỗ.
Anh Lành cho biết, tiền thuê đất tăng cao với mức giá 3,5 triệu đồng/năm, chưa kể chi phí đầu tư để sản xuất. Vụ Đông năm nay, gia đình anh coi như hòa vốn. Làm nghề nông thì phải chấp nhận năm được năm mất. Hiện gia đình anh đang gấp rút thu dọn vườn để trồng su hào, cải bắp.
Trong khi đó, do đa phần là diện tích trồng sớm nên đến thời điểm này hơn 3 ha cà rốt của gia đình anh Nguyễn Văn Đông, ở xã Thái Bảo, huyện Gia Đình đã được thương lái thu mua hết. Anh Đông cho biết, năm nay, gia đình anh có gần 2 mẫu thu hoạch sớm được bán với giá 9.000 đồng/kg; số còn lại được bán với giá từ 6.000-7.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi sào anh lãi khoảng 3 triệu đồng.
Theo anh Đông, trồng cây vụ Đông không chỉ đem lại thu nhập cho gia đình, tạo công ăn việc làm cho người dân tại địa phương lúc nông nhàn mà còn cải tạo đồng ruộng, giúp tăng năng suất khi chuyển vụ. Tuy nhiên, hiện nay chi phí thuê mặt bằng, cộng với giá phân bón cao nên nhiều nông dân không mặn mà với việc mở rộng diện tích.
Do có nguồn tiêu thụ cà rốt ở tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh nên hơn một tháng nay, bà Tống Thị Thúy, xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh phải đi khắp các cánh đồng cà rốt ở huyện Gia Bình, Lương Tài để tìm mua. Bà Thúy cho biết, do ảnh hưởng thời tiết nên mẫu mã cà rốt năm nay không được đẹp như mọi năm nên thương lái cũng phải tính toán việc chọn mua. Từ đầu tháng 11/2022 đến nay, bà đã thu được trên 30 mẫu cà rốt.
Nông dân xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh thu hoạch cà rốt. Ảnh: Thanh Thương/TTXVNTheo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Bình Phạm Công Quyện, cây cà rốt là cây trồng chủ lực của địa phương với diện tích hơn 600 ha. Để mở rộng sản xuất, huyện đã quy hoạch hơn 800 ha đất bãi bồi ven sông để nuôi trồng thủy sản và trồng cây vụ Đông. Hàng năm, ngay sau khi kết thúc vụ Hè Thu, huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn chỉ đạo Hợp tác xã Dịch vụ và nông nghiệp quy hoạch diện tích đất hai lúa để trồng sớm cây vụ Đông.
Đặc biệt, để khuyến khích các địa phương tích cực mở rộng trồng cây vụ Đông theo quy mô lớn, hàng hóa, ngoài chính sách hỗ trợ chung của tỉnh, huyện Gia Bình thưởng cho những xã hoàn thành sớm kế hoạch cây màu vụ Đông trên đất hai lúa tối thiểu từ 30 ha trở lên với mức thưởng cao nhất là 20 triệu đồng.
Để có thể phát triển ổn định lâu dài cây vụ Đông tránh tình trạng được mùa mất giá, ngành nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, khẳng định thương hiệu sản phẩm cà rốt của địa phương. Đồng thời, đề xuất tỉnh có chính sách quan tâm đầu tư công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, để bà con nông dân an tâm sản xuất.