Nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông

1 năm trước 64

Theo ghi nhận của phóng viên, người tham gia giao thông thường mắc các lỗi vi phạm tốc độ, thiếu chú ý quan sát, đi sai phần đường; người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu, bia quá nồng độ cho phép; sử dụng lòng, lề đường làm dịch vụ, tổ chức sự kiện, đậu đỗ xe trái quy định gây cản trở giao thông…

Cá biệt, có những trường hợp khi tham gia giao thông không chú ý quan sát, không giữ khoảng cách, không làm chủ được tốc độ, va quyệt xe phía trước, dẫn đến hậu quả bị thương tật suốt đời, thậm chí tử vong.

Chú thích ảnhCông an huyện Thọ Xuân kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn huyện.
Ảnh: Lê Phượng

Trên thực tế, có những trường hợp mắc lỗi vi phạm khi tham gia giao thông, va quệt phía sau của xe phía trước đang đi trên đường ưu tiên, nhưng vẫn không nhận lỗi chỉ vì người bị va quệt khi tham gia giao thông điều khiển phương tiện xe ô tô, người va quệt điều khiển phương tiện xe mô tô, xe thô sơ... nhưng lại cố tình đỗ lỗi cho người khác…

Để giảm thiểu TNGT, Công an và các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT), kiềm chế TNGT trên địa bàn. Trong đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội trên địa bàn tỉnh tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân đề cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT. Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật về trật tự ATGT.

Tỉnh cũng tập trung thực hiện hiệu quả Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; các kế hoạch chuyên đề của Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh, các lực lượng chức năng của Công an tỉnh và công an các huyện, thị xã, thành phố đã bám sát thực hiện các kế hoạch chuyên đề như: Kế hoạch tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của người điều khiển xe trên đường mà trong người có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn; kế hoạch xử lý vi phạm làn đường, tốc độ...; đồng thời huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phối hợp tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Điển hình như để chung tay gìn giữ an ninh trật tự trong dịp Tết Nguyên đán, Công an tỉnh đã thành lập 64 tổ tuần tra vũ trang kết hợp tuần tra nghiệp vụ trên địa bàn tiến hành tuần tra khép kín từ 20 giờ đêm hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau vào tất cả các ngày trong tuần. 

Theo đó, tính từ ngày 14/1/2023 (tức 23 tháng Chạp) đến 21/1 (tức mồng 1 tết), các tổ tuần tra trên địa bàn tỉnh đã kịp thời phát hiện, xử lý 116 trường hợp vi phạm, trong đó các lỗi vi phạm chủ yếu là vi phạm giao thông như: không đội mũ bảo hiểm, không giấy tờ xe, chở quá số người quy định và vi phạm nồng độ cồn...

Chú thích ảnhLực lượng Phòng CSGT kiểm tra, xử lý vi phạm trên tuyến QL 47 đoạn qua huyện Đông Sơn.
Ảnh: Lê Phượng

Theo báo cáo của Ban An toàn Giao thông tỉnh, năm 2022 lực lượng CSGT toàn tỉnh đã kiểm tra, xử lý hơn 20.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó, riêng vi phạm về nồng độ cồn đã kiểm tra, xử phạt 6.097 trường hợp, phạt hơn 23,5 tỷ đồng.

Với chủ đề năm 2023 của Ủy ban ATGT Quốc gia “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đạt mục tiêu kiềm chế giảm tai nạn giao thông từ 5% đến 10% về số vụ, số người chết và bị thương so với năm 2022.

Hy vọng, với việc vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy - chính quyền, các đoàn thể chính trị, xã hội, các đơn vị có liên quan trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ có những chuyển biến tích cực, kiềm chế được TNGT, đảm bảo an toàn tính mạng cũng như tài sản của nhân dân.

Nguồn bài viết