Nhật Bản soạn thảo quy định về cấy ghép nội tạng động vật

2 năm trước 299
Chú thích ảnhBộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản sẽ bắt đầu biên soạn những hướng dẫn mới đối với việc cấy ghép các cơ quan nội tạng và mô của động vật cho người. Ảnh: vajiramias.com

Hiện nay với sự phát triển của khoa học công nghệ, giới khoa học đã tạo ra được các cơ quan nội tạng để cấy ghép có thể hạn chế phản ứng đào thải của hệ thống miễn dịch của con người bằng cách chỉnh sửa bộ gene của động vật hiến tặng. Nhiều nước trên thế giới đã thử nghiệm thành công việc cấy ghép nội tạng của động vật biến đổi gene sang người. Điển hình là Mỹ đã thực hiện thành công ca ghép tim lợn biến đổi gene cho người vào tháng 1/2022.

Trước tình hình trên, MHLW đặt mục tiêu đảm bảo các bộ phận của loài khác được cấy ghép sang người phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn trước khi tiến tới cho phép tiến hành các ca cấy ghép như vậy tại Nhật Bản.

Việc có thể tiến hành những ca cấy ghép trên có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu nội tạng cấy ghép cho những người bị các bệnh mãn tính. Tuy nhiên, phản ứng "thải ghép" - trong đó cơ quan cấy ghép bị hệ thống miễn dịch tấn công - là một thách thức lớn. Ngoài ra, còn một nguy cơ khác là các loại virus chưa được biết đến có thể xâm nhập các tế bào của cơ quan được cấy ghép.

Theo kế hoạch, MHLW sẽ thành lập một nhóm nghiên cứu tại Cơ quan Nghiên cứu và phát triển y tế Nhật Bản để xem xét các vấn đề như chất lượng nội tạng động vật và nguy cơ nhiễm virus. Nhóm cũng sẽ nghiên cứu các xu hướng công nghệ mới nhất và nguy cơ biến chứng ở người khi sử dụng các cơ quan và mô của động vật đã chỉnh sửa gene để cấy ghép.

Trong khoảng 3 năm, nhóm nghiên cứu sẽ biên soạn một danh sách các điểm cần lưu ý đối với việc cấy ghép bao gồm các phương pháp kiểm tra virus và đánh giá nguy cơ thải ghép, cũng như các yêu cầu về chăm sóc động vật sử dụng để cấy ghép.

Năm 2016, MHLW đã xây dựng dự thảo về việc cấy ghép nội tạng động vật cho con người nhưng sau đó quyết định không ban hành vì những việc này chưa có tiền lệ tại Nhật Bản. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã đạt được nhiều tiến bộ trong phát triển các cơ quan không phải của con người để phục vụ việc cấy ghép với nguy cơ bị đào thải thấp hơn nhờ những công nghệ tiên tiến như chỉnh sửa gene.

Trong kế hoạch lần này, MHLW dự định đề xuất xin cấp ngân sách hàng chục triệu yen trong tài khóa 2023 cho các hoạt động liên quan.

Nguồn bài viết