Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị di sản vùng đất Uông Bí

4 tháng trước 62
Chú thích ảnhQuang cảnh hội thảo.

Là địa phương có nguồn tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể nhiều tiềm năng như: hệ thống các di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt, di tích cấp tỉnh và những lễ hội truyền thống mang đặc trưng tín ngưỡng vùng miền, Uông Bí được biết đến như trung tâm du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh Quảng Ninh. Hệ thống các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở địa phương đã hình thành nên những nét văn hóa đặc trưng. Uông Bí là vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời, gắn liền với văn hóa Phật giáo Trúc Lâm, chiến thắng Bạch Đằng năm 938, hay những câu chuyện về doanh nhân đầu tiên của nước Việt - cụ Bạch Thái Bưởi.

Về di sản văn hóa vật thể, thành phố Uông Bí hiện có 31 di tích nằm trong danh mục của tỉnh, trong đó có 2 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 7 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 22 di tích có trong danh mục được kiểm kê phân loại. Các di tích này đều gắn với những lễ hội độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân bản địa nơi đây. Về di sản văn hoá phi vật thể, hiện trên địa bàn thành phố có 32 di sản văn hóa phi vật thể. Hàng năm, trên địa bàn thành phố Uông Bí diễn ra 7 lễ hội.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia chia sẻ, xác định di sản văn hóa là tài sản quý giá, là cầu nối giữa sinh hoạt văn hóa với cộng đồng dân cư, là cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc vùng miền. Những năm qua, thành phố Uông Bí đã tập trung đầu tư cho việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của địa phương; kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hướng tới phát triển kinh tế du lịch. Công tác quản lý, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo phát huy giá trị các di tích được thực hiện đúng theo Luật Di sản văn hóa. Nhiều di tích được khôi phục, trùng tu tôn tạo.

Chú thích ảnhÔng Phạm Tuấn Đạt, Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí, Quảng Ninh phát biểu khai mạc hội thảo.

Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến, tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học với hơn 30 bài tham luận. Các ý kiến làm sáng tỏ giá trị lịch sử - văn hoá, khoa học ẩn chứa trong kho tàng di sản văn hóa đa dạng, phong phú của thành phố Uông Bí; thực trạng công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững của Uông Bí. Đồng thời, nhiều đại biểu đề xuất những giải pháp, mô hình phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động bảo tồn di sản góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của địa phương, trong đó có ngành du lịch mang sắc thái đặc trưng của thành phố Uông Bí.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, về văn hóa cho rằng Uông Bí nên tính sớm và thúc đẩy chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa; sớm xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Thành phố cũng nên xây dựng kế hoạch, thực hiện chủ trương chuyển đổi số để quản lý, bảo tồn, phát huy, quảng bá di sản văn hóa.

Theo Sở Du lịch Quảng Ninh, thành phố Uông Bí là địa phương có tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng thuận lợi cho phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh và sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng. Với mục tiêu năm 2024 đón 3 triệu lượt khách du lịch trong đó có 500 nghìn lượt khách quốc tế, du lịch thành phố Uông Bí đang từng bước khẳng định thương hiệu, vị thế là một trong những trung tâm du lịch lớn của tỉnh.

Nguồn bài viết