Báo cáo với Đoàn, đại diện UBND tỉnh Long An cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình sạt lở, sụt lún đất trên địa bàn diễn biến phức tạp. Toàn tỉnh xảy ra 9 điểm sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài sạt lở khoảng 1.920m, làm sạt lở 7 căn nhà, 2 hàng rào của nhà dân và nhiều diện tích đất, giá trị thiệt hại khoảng 2 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tại Long An còn xuất hiện nhiều đợt mưa lớn kèm theo dông, lốc xoáy làm 2 người bị thương, tốc mái 47 căn nhà… Ước tổng thiệt hại trên 900 triệu đồng.
UBND tỉnh Long An kiến nghị với Đoàn công tác báo cáo với Trung ương tiếp tục quan tâm, xem xét hỗ trợ kinh phí cho tỉnh thực hiện 14 công trình phòng, chống thiên tai cấp bách tại các điểm sạt lở trên địa bàn để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Tổng kinh phí thực hiện các công trình này ước tính gần 3.800 tỉ đồng.
Thay mặt Đoàn công tác, Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương ghi nhận những nỗ lực của Long An trong công tác phòng, chống thiên tai, nhất là việc khắc phục nhanh các điểm sạt lở trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Đồng thời, ông Ngô Văn Cương đề nghị tỉnh cần tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được; ưu tiên phân bổ thêm kinh phí để đáp ứng việc khắc phục hậu quả thiên tai. Long An thường xuyên tập huấn, trang bị các dụng cụ phòng, chống thiên tai; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về hậu quả của thiên tai; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống thiên tai; triển khai hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”...
Đối với những kiến nghị của Long An, Đoàn công tác ghi nhận và sẽ báo cáo với cấp có thẩm quyền để xem xét giải quyết.
Cùng ngày, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã đến khảo sát thực tế một số điểm sạt lở tại huyện Cần Giuộc (Long An).