Người Xê Đăng ấm no nhờ biết làm thủy lợi

11 tháng trước 48

Đây là thành quả của sự cần cù, chịu khó, không cam chịu đói nghèo của người Xê Đăng ở vùng sâu Ngọk Yêu. Nhờ đó, hàng loạt công trình thủy lợi được thi công nhằm thích ứng với địa lý, khí hậu, thời tiết, giúp người dân nơi đây khắc phục khó khăn, cuộc sống thay đổi từng ngày.

Chú thích ảnhNgười dân đắp bờ thủy lợi Đăk Đring để dẫn nước từ suối về cánh đồng.

 Dân làm thủy lợi

Xã Ngọk Yêu có 7 thôn với gần 1.700 khẩu, trong đó 98% dân số là người Xê Đăng. Trên địa bàn xã có 28 công trình thủy lợi lớn, nhỏ để đảm bảo tưới tiêu cho 133 ha lúa (trong đó có 104 ha lúa nước) và 300 ha lúa do người dân Măng Bút, huyện Tu Mơ Rông gieo trồng trên đất xã Ngọk Yêu.

Ở Ngọk Yêu, người Xê Đăng tự làm thủy lợi từ lâu. Để mở rộng diện tích, đảm bảo chủ động nước tưới, dân ở các làng cùng nhau làm thủy lợi. Trong số các công trình do dân tự làm, công trình thủy lợi Đăk Kring ở làng Long Láy 2 là lớn nhất với năng lực tưới 8 ha. Những ngày qua, khi nước đầu nguồn ít, người Long Láy 2 chủ động đào một đường dẫn nước vào mương nhằm hạn chế nước từ đầu nguồn thoát ra ngoài. Toàn tuyến đường dẫn của công trình là các mương đất, dân tự đào để dẫn nước vào ruộng. Trên cánh đồng rộng 8 ha, có 2 “điểm đen” là các điểm trũng, không thể dẫn nước bằng mương đất, dân phải làm máng dẫn, chất liệu riêng.

Chú thích ảnhNgười Xê Đăng tận dụng cây Đùng Đình để dẫn nước về ruộng nước.

Anh A Thoát, thôn trưởng Long Láy 2 cho biết, các máng tưới ở 2 “điểm đen” có chân trụ đỡ là cây rừng. Máng có rộng khoảng 25cm, dài khoảng 20-30 mét. “Dân lấy cây Đùng Đình ở rừng, khoét ruột để đưa nước từ núi về các cánh đồng phía dưới. Mỗi khi mùa mưa, sạt lở, dân lại ra nạo vét mương. Công trình thủy lợi này do dân ở 2 thôn Long Láy 2 và Ba Tu 2 cùng làm”.

“Ở đây diện tích trồng được lúa rất ít, người dân tận dụng các khe suối để gieo trồng. Nước tự nhiên, lúc thừa, lúc thiếu nên dân phải tự làm thủy lợi để chủ động nguồn nước. Chỉ mệt lúc đầu, sau khi công trình xong thì dân đỡ vất vả. Khi làm thủy lợi, dân chỉ có cuốc để đào, đắp. Tận dụng gỗ trên rừng, đá ở suối để làm. Nhờ vậy mà cây lúa ở Ngọk Yêu đã "bén rễ sâu" trong lòng đất” anh A Dom ở làng Long Láy 2 khẳng định.

Được biết, ngoài thủy lợi Đăk Kring, người dân ở thôn Long Láy 2 còn làm thêm 4 công trình thủy lợi khác với năng lực tưới hơn 12 ha. Theo anh Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã, trên địa bàn xã có 19/28 công trình thủy lợi do dân tự làm, năng lực tưới cho gần 70 ha lúa. Ở Ngọk Yêu, diện tích bị chia cắt bởi đồi, núi nên cánh đồng lúa lớn rất ít. Diện tích lúa manh mún, nhỏ lẻ nên cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân phải nỗ lực để tự làm thủy lợi.

Chú thích ảnhNgười Xê Đăng tận dụng cây Đùng Đình để dẫn nước về ruộng nước.

Đồng hành cùng dân

Cũng như Đăk Kring, các công trình thủy lợi dân tự làm ở Ngọk Yêu đều là đập nhỏ có máng dẫn nước bằng đất. Để đảm bảo tuổi thọ cho công trình, giúp dân ổn định sản xuất chính quyền xã đã hỗ trợ vật liệu giúp dân sửa chữa, gia cố công trình. “Dân làm công trình thủy lợi nhưng chính quyền xã phải quản lý, kiểm tra, hỗ trợ dân khi sửa chữa, đảm bảo an toàn cho công trình, giúp dân an tâm sản xuất” anh Lê Văn Hoàng cho biết thêm.

Cụ thể, ngoài việc hỗ trợ các rọ đá ở chân đập, với những điểm hay sạt lở, chính quyền đầu tư các đường ống nhựa có đường kính ống lớn để thay máng đất, hạn chế ảnh hưởng khi sạt lở. Nhiều tuyến máng, đường ống nhựa dài hàng km dẫn nước tới vùng tưới, trong đó có cụm công trình thủy lợi ở thôn Ba Tu 3, dân phải đào máng dẫn dài 5 km ở đỉnh núi về chống hạn cho 15 ha lúa của thôn. Tại đây, chính quyền hỗ trợ sửa chữa nhiều tuyến kênh dẫn, thay máng đất bằng ống nhựa. Với công trình có nguồn nước ít, yếu, chính quyền hỗ trợ đầu thu nước làm bằng sắt, đặt ở đầu nguồn để dẫn nước vào máng. Thực tế, chính quyền hỗ trợ nhiều để các công trình thủy lợi do dân làm đảm bảo an toàn, chủ động nguồn tưới…

“Những năm gần đây, Nhà nước hỗ trợ rọ đá, đường ống nhựa để dẫn nước nên việc sạt lở ít ảnh hưởng đến thủy lợi Đăk Kring. Trước đây, mưa nhiều là sạt lở, đất lấp mương, máng. Từ ngày có đường ống dẫn bằng nhựa ở các vị trí hay sạt lở nên dân bớt lo” A Thoát cho biết thêm.

Chú thích ảnhNhờ tận dụng và đưa nước tưới về, cánh đồng Rogh (làng Ba Tu 1, xã Ngọk Yêu) vẫn đầy đủ nước dù giữa mùa khô hạn.

Cùng với việc hỗ trợ dân sửa chữa công trình, ngành chức năng huyện Tu Mơ Rông đã tính đến các phương án kiên cố hóa kênh mương. Theo ông Phạm Xuân Quang, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện: Thực tế các công trình thủy lợi người dân tự làm, tận dụng khe suối dẫn nước tưới. Các công trình thủy lợi cần đầu tư chi phí lớn, vì vậy, khi người dân tự làm, huyện luôn khuyết khích và tạo điều kiện cho họ triển khai. Với các công trình chưa kiên cố, diện tích tưới lớn, huyện sẽ cử lực lượng khảo sát để đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia về kiên cố kênh mương và làm đập thủy lợi giúp dân. Thủy lợi Đăk Kring đã được khảo sát và dự kiến sẽ được đầu tư kiến cố hóa kênh mương. Đây là công trình có diện tích tưới lớn cho người dân 2 thôn Long Láy 2 và Ba Tu 2. Có thể nói, cùng với các công trình Nhà nước đầu tư, người Xê Đăng tự làm thủy lợi đã giúp đảm bảo duy trì diện tích lúa nước, hạn chế phát triển lúa rẫy, giúp ổn định và đảm bảo an ninh lương thực. 

Không chỉ chú trọng làm thủy lợi, những năm gần đây, người Xê Đăng ở xã Ngọk Yêu được chính quyền vận động, hỗ trợ phát triển các loại cây công nghiệp cho năng suất, hiệu quả cao. Cụ thể, nhờ chính quyền hỗ trợ, hướng dẫn, người dân trong xã đã trồng được 224 ha cà phê xứ lạnh. Đến nay, cây cà phê đã bén rễ chặt nơi đây, trở thành cây trồng chủ lực trong nổ lực thoát nghèo. Nhận thấy lợi ích từ cây cà phê, người dân đang dần chuyển diện tích trồng cây bời lời, lúa rẫy, sắn sang trồng cà phê giúp ổn định cuộc sống, tường bước nâng cao thu nhập. Chính quyền huyện, xã đang khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân phát triển cây dược liệu, nhất là sâm Ngọc Linh. Những năm qua, chính quyền huyện Tu Mơ Rông đã vận động nhiều doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn hỗ trợ người dân cây giống sâm Ngọc Linh. Vụ thu hoạch vừa qua, toàn xã thu hơn 500 tấn cà phê tươi. Người dân cũng đã trồng được hơn 2 ha.

Chú thích ảnhThủy lợi Đăk Đring giúp cánh đồng lúa của người dân hai thôn Long Láy 2 và Ba Tu 2 luôn đầy nước. 

Anh Lê Văn Hoàng cho biết thêm: người dân trồng sâm Ngọc Linh nên áp lực phá rừng cũng giảm, hơn nữa họ còn chú trọng giữ rừng để trồng sâm. "Những năm gần đây, các hộ dân ở Ngọk Yêu không đề xuất vấn đề cứu đói khi giáp hạt. Cơ bản hiện nay vấn đề an ninh lương thực được giữ vững. Có được thành quả trên là nhờ các cánh đồng lúa đảm bảo nguồn nước tưới. Giờ đây, dân Ngọk Yêu tích cực chăm lo sản xuất để nâng cao đời sống của mình” anh Lê Văn Hoàng khẳng định.

Nguồn bài viết