Ngăn ngừa bệnh viêm da nổi cục trên gia súc lan rộng  

3 năm trước 765
Chú thích ảnhTiêm thí điểm vaccine viêm da nổi cục trên trâu bò tại xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên. Ảnh: Thu Hằng/TTXVN

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do mua bán vận chuyển gia súc mắc bệnh từ nơi khác về nhưng chưa được cơ quan chức năng kiểm soát; dịch bệnh lây lan do gia súc bình thường tiếp xúc trực tiếp với gia súc bị bệnh hoặc, do côn trùng như ve, mòng… mang mầm bệnh đến truyền bệnh cho gia súc.

Ông Nguyễn Đức Điển, Phó giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết: Để chủ động ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục lây lan ra diện rộng, UBND tỉnh Yên Bái đã có công văn chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương tập trung các biện pháp ngăn chặn, kiểm soát, phòng chống bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò; trong đó, chủ động theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động vận chuyển, buôn bán trâu, bò không rõ nguồn gốc để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm.    

Trong trường hợp phát hiện ổ dịch nghi ngờ gia súc mắc bệnh cần phải lấy mẫu để xét nghiệm và nếu mắc bệnh phải tổ chức tiêu hủy theo hướng dẫn của cơ quan thú y; đồng thời, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở gia súc; không giấu dịch; không mua, bán vận chuyển trâu, bò bệnh hoặc chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt trâu, bò bệnh hoặc chết; không vứt xác trâu, bò chết ra môi trường    

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi Thú y thành lập 5 đoàn công tác xuống cơ sở để nắm bắt tình hình, thống kê số lượng gia súc mắc bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời như phun thuốc khử trùng tiêu độ, tiêu hủy những gia súc mắc bệnh quá nặng không thể cứu chữa được, phòng bệnh cho đàn gia súc khỏe mạnh và chữa trị cho những gia súc bị nhiễm bệnh ở mức độ nhẹ....

* Tại Thái Nguyên: Đến thời điểm hiện tại bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xảy ra ở 438 xóm của 117 xã tại 9 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Tổng số trâu, bò mắc bệnh là 1.649 con; trong đó, chết 190 con. 

Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và Thuỷ sản tỉnh Thái Nguyên cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, Chi cục đã phối hợp với các địa phương thực hiện thống kê toàn bộ đàn trâu, bò trên địa bàn để chủ động trong công tác điều tra dịch tễ, nhận định tình hình và triển khai tiêm phòng vắc xin bao vây ổ dịch.

Đến nay, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản đã cấp 54.000 liều vaccine cho các huyện, thành phố, thị xã triển khai tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục, dự kiến công tác tiêm phòng vaccine cho đàn gia súc sẽ thực hiện xong trong tháng 5. Đồng thời, tiến hành 2 đợt vệ sinh khử trùng, tiêu độc phòng chống bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn toàn tỉnh; khử trùng tiêu độc tại vùng dịch, vùng dịch uy hiếp… nhằm tiêu diệt mầm bệnh. 

Để kiểm soát dịch bệnh, thời gian vừa qua các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên cũng tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các địa điểm buôn bán, giết mổ, trung chuyển trâu, bò; xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc, nhất là trâu, bò không rõ nguồn gốc, nhập lậu vào  địa bàn để tiêu thụ, không có kiểm dịch của cơ quan thú y; thực hiện cách ly, quản lý chặt chẽ toàn bộ số gia súc mắc bệnh với gia súc chưa mắc bệnh; tiêu hủy số gia súc chết do mắc bệnh nhằm khoanh vùng, dập tắt dịch bệnh và áp dụng đồng bộ các biện pháp chống dịch theo quy định.

Cùng với đó, tỉnh cũng tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch cho người chăn nuôi, và ký cam kết đối với tất cả các hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, nghiêm cấm việc giấu dịch, không bán chạy, giết mổ, mua bán gia súc mắc bệnh.

Trong thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phối hợp với các địa phương, lực lượng chức năng tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch như: giao cho chính quyền các xã, phường, thị trấn quản lý theo dõi chặt chẽ đàn trâu, bò trên địa bàn. Cùng đó, chủ động giám sát dịch bệnh trên đàn trâu, bò đến tận hộ chăn nuôi nhằm phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, còn ở diện hẹp; thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành cấp tỉnh nhằm tăng cường kiểm tra tình hình dịch bệnh, công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương.

Nguồn bài viết