Việc lây lan nhanh của dịch bệnh cũng như tỉ lệ gia súc chết cao khiến ngành nông nghiệp huyện tập trung các biện pháp, đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng, cũng như khoanh vùng, dập dịch, giảm tối đa thiệt hại cho người chăn nuôi.
Bà Đinh Thị Y Ngọc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum cho biết, đầu tháng 4/2021, bệnh tụ huyết trùng trên đàn trâu, bò được ghi nhận lần đầu trên địa bàn. Ngay sau đó, ngành nông nghiệp huyện đã cử cán bộ chuyên môn đến nơi phát bệnh, khám lâm sàng và chẩn đoán gia súc mắc bệnh tụ huyết trùng.
Đáng lo ngại, bệnh xảy ra trên địa bàn huyện đều ở thể ác tính, khiến trâu, bò sốt cao, tử vong nhanh, chỉ trong vòng 24 giờ kể từ khi phát bệnh. Tuy nhiên, do tập tính chăn thả xa nơi ở, nhiều ngày mới đi thăm đàn của người dân, nên khi phát hiện bệnh thường quá muộn, dù đây là căn bệnh không khó để điều trị.
Bà Ngọc cho biết, tháng 5/2021, ngành nông nghiệp huyện Đăk Glei đã nhận được 9.000 liều vaccine tụ huyết trùng, phân bổ cho các xã, thị trấn để tiêm cho gia súc. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh có chiều hướng gia tăng và gây thiệt hại lớn cho người dân, ngành đã phối hợp với chính quyền hai xã Đăk Nhoong và Đăk Plô đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine. Đến nay, xã Đăk Plô đã tiêm được 500/850 liều được cấp, xã Đăk Nhoong tiêm được 774/1000 liều được cấp.
“Trước mắt, ngành nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng và hướng dẫn bà con nhân dân xử lý, điều trị trâu, bò bị bệnh. Về lâu dài, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã định hướng tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, xây dựng mô hình trang trại. Qua đó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho gia súc”, bà Đinh Thị Y Ngọc nhấn mạnh.
*Tại Yên Bái: Nhờ chủ động triển khai tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục cho trâu, bò, đến nay, ngày 4/6 đã qua 10 ngày toàn tỉnh không phát sinh bệnh ở gia súc; trong đó, có 7 xã vùng dịch qua 21 ngày không có gia súc mắc bệnh.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, bệnh viêm da nổi cục xảy ra trên bò nuôi xuất hiện tại thôn Bản Phạ, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên từ ngày 29/3. Sau hơn 2 tháng, bệnh này đã lây lan ra 33 hộ thuộc 25 thôn, bản của 20 xã, trên địa bàn 6 huyện, thành phố. Tổng số mắc bệnh là 52 con, số bò tiêu hủy 35 con, tổng khối lượng 6.820 kg.
Ngay sau khi xuất hiện bệnh viêm da nổi cục ở gia súc, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan để xác minh và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Hướng dẫn hộ chăn nuôi cách ly gia súc mắc bệnh, tiêu độc khử trùng, tiêu hủy theo quy định, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc tại địa bàn có dịch.
Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, tỉnh đã áp dụng đồng bộ các giải pháp để phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng. Đặc biệt, có giải pháp ngăn chặn, tiêu diệt ruồi, muỗi, ve, mòng… truyền bệnh, đồng thời nhanh chóng tổ chức tốt việc tiêm vaccine phòng bệnh trên diện rộng, lũy kế đến ngày 28/5/2021, toàn tỉnh đã tiêm phòng được 9.950 liều vaccine.
Hiện, tỉnh Yên Bái có đàn trâu 98.141 con, đàn bò là 33.663 con. Do vậy, giải pháp cấp thiết nhất trong thời gian tới là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đến người dân, nhất là người trực tiếp chăn nuôi để hiểu rõ về sự nguy hiểm của dịch bệnh, đồng thời, thực hiện nghiêm ngặt nguyên tắc "4 không” trong phòng, chống dịch, gồm không giấu dịch; không mua, bán vận chuyển trâu, bò bệnh hoặc chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt trâu, bò bệnh hoặc chết; không vứt xác trâu, bò chết ra môi trường.