Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã tiếp thêm động lực, thêm “điểm tựa” để hộ nghèo và đối tượng chính sách vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo đó, tỉnh được Trung ương phân bổ hơn 330 tỷ đồng để triển khai chương trình cho vay ưu đãi theo Nghị quyết 11/NQ-CP. Đến nay, địa phương đã giải ngân gần 51,7 tỷ đồng cho 1.068 trường hợp vay. Trong đó, tỉnh đã giải ngân cho 958 lao động vay hơn 46 tỷ đồng để hỗ trợ, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay nhà ở xã hội 14 hộ là 3,16 tỷ đồng; cho 82 học sinh, sinh viên vay 820 triệu đồng mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập; 14 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập vay 1,18 tỷ đồng.
Anh Hoàng Xuân Tiếp, tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Ea Súp là trường hợp đầu tiên ở huyện biên giới được vay vốn theo Nghị quyết 11/NQ-CP. Vợ chồng anh Tiếp là giáo viên, đang nuôi 2 con nhỏ, không có điều kiện làm thêm, kinh tế khó khăn. Vừa qua, gia đình anh được vay 400 triệu đồng, thời hạn 20 năm, lãi suất 4,8%/năm để xây nhà mới. Anh Tiếp cho biết, ngôi nhà cũ của gia đình chật chội, xuống cấp, bị dột vào mùa mưa. Nhờ có Nghị quyết 11/NQ-CP, vợ chồng anh mới có thể xây nhà. Nguồn vốn này lãi suất thấp, thời gian vay dài giúp vợ chồng anh giảm được áp lực trả nợ.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm 2021, vợ chồng chị Nông Thị Phượng, xã Ea Tam, huyện Krông Năng, nghỉ làm công nhân ở Bình Dương và quyết định về quê sinh sống. Khi được giới thiệu chính sách cho vay theo Nghị quyết 11/NQ-CP, chị Phượng làm hồ sơ và được giải ngân 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi bò. Chị Phượng chia sẻ, Nghị quyết 11/NQ-CP là nguồn lực lớn giúp gia đình chị ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế.
Em Hồ Nguyễn Lan Anh, học sinh Trường Trung học phổ thông Ea Rốk, huyện Ea Súp, có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Năm học 2021-2022 là năm học khó khăn với Lan Anh khi phần lớn là học trực tuyến nhưng chưa có máy vi tính. Mới đây, Lan Anh được cho vay 10 triệu đồng theo Nghị quyết 11/NQ-CP, chương trình dành cho học sinh, sinh viên vay mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập. Lan Anh chia sẻ, sự hỗ trợ này rất đáng quý giúp em tiếp tục nỗ lực học tập, vươn lên trong cuộc sống.
Để triển khai hiệu quả Nghị quyết 11/NQ-CP, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, đôn đốc triển khai thực hiện; niêm yết công khai Nghị quyết tại điểm giao dịch cấp xã để tuyên truyền chủ trương, chính sách mới của Chính phủ. Chi nhánh cũng đã chỉ đạo phòng giao dịch cấp huyện phối hợp với UBND cấp xã, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tổng hợp danh sách khách hàng có nhu cầu, hoàn thiện hồ sơ vay vốn, tập trung giải ngân cho khách hàng. Sau khi giải ngân, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phối hợp với tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát và tư vấn, hướng dẫn để đối tượng vay sử dụng nguồn vốn đúng mục đích.
Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ea Súp Bùi Văn Trung cho biết, Phòng đã hướng dẫn quy trình, thủ tục cho vay; cải tiến, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, nâng cao khả năng thẩm định, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay theo Nghị quyết 11/NQ-CP. Thời gian tới, Phòng giao dịch tiếp tục phối hợp rà soát đối tượng đủ điều kiện để hướng dẫn làm hồ sơ và cho vay theo đúng quy định; đồng thời giám sát, nâng cao chất lượng quản lý nguồn vốn.
Nhờ triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP đã và đang giúp người nghèo, đối tượng chính sách ở tỉnh Đắk Lắk bước đầu có nguồn vốn để đầu tư sản xuất, xây nhà ở, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cũng triển khai các giải pháp để đảm bảo việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP đến đúng đối tượng, phát huy hiệu quả đồng vốn và tính nhân văn của chính sách.