Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn cho thấy, từ khi xuất hiện lần đầu tiên trong năm 2024 vào ngày 28/5 tại xã Thiện Hòa, (huyện Bình Gia), châu chấu tre lưng vàng làm ảnh hưởng khoảng 10 ha rừng tre, vầu và hoa màu của người dân.
Đến nay, tổng diện tích nhiễm châu chấu tre tại Lạng Sơn hơn 67 ha tại 7 huyện gồm: Bình Gia, Tràng Định, Văn Lãng, Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập, Văn Quan. Châu chấu tre lưng vàng chủ yếu gây hại cho cây tre, vầu, lúa và ngô của người dân.
Theo các cơ quan chuyên môn, vòng đời của châu chấu tre lưng vàng dài. Thời gian sống và phá hại khoảng 5 - 6 tháng trong năm. Chấu chấu trưởng thành có thể bay xa 40 - 60 km, di chuyển nhanh thành từng đàn. Khi hết thức ăn trên rừng chúng có thể di chuyển đến phá hại trên các cây trồng khác gần bìa rừng như ngô, lúa, cỏ chăn nuôi.
Theo bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, châu chấu tre lưng vàng ban đầu thường được phát hiện, gây hại ở những khu vực rừng tre, vầu, nứa... độ dốc cao, khó đi lại. Do đó, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan truyền thông, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền đến người dân tác hại của châu chấu, khuyến cáo bà con kiểm tra đồi, rừng, thường xuyên, báo cáo chính quyền cơ sở và cơ quan chuyên môn ngay khi phát hiện châu chấu gây hại để kịp thời phòng trừ.
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với chính quyền các cấp triển khai phòng trừ châu chấu tre lưng vàng sớm khi mới phát hiện, không để châu chấu lan rộng với quy mô lớn, gây hại cho cây trồng. Các địa phương đã chủ động bố trí nguồn kinh phí dự phòng, hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật và trang bị máy phun khói cho người dân phun trừ những diện tích rừng nhiễm châu chấu có địa hình khó di chuyển, đi lại. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực, thành lập các tổ, đội phun thuốc trừ sâu bảo vệ cây trồng.
Tính đến hết ngày 16/6, tỉnh đã hỗ trợ 2.069 gói, 280 lọ thuốc bảo vệ thực vật các loại; mua 5 máy phun thuốc dạng khói, phun trừ gần như toàn bộ diện tích nhiễm và diện tích bao vây, đạt trên 91,7 ha, hiệu quả phun trừ đạt trên 95%. Ngay khi phát hiện các diện tích nhiễm châu chấu, cơ quan chuyên môn và địa phương đã tổ chức phun trừ đồng loạt, phun bao vây không để châu chấu di chuyển sang gây hại ở những khu vực khác nên đạt hiệu quả phòng ngừa cao.
Để ngăn chặn châu chấu tre lưng vàng phát sinh, lan rộng, gây hại cho cây trồng, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành văn bản yêu cầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra, rà soát, phát hiện, dự báo khả năng phát sinh, phát triển của châu chấu để chủ động các phương án phòng trừ kịp thời. Đặc biệt là chú ý những điểm đã bị châu chấu tre lưng vàng gây hại nặng những năm trước, theo dõi, xác định vị trí di chuyển của đàn châu chấu để có biện pháp xử lý kịp thời.
UBND các huyện, thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, thông tin tuyên truyền về mức độ nguy hại của châu chấu tre; hướng dẫn người dân thường xuyên kiểm tra đồi rừng, đồng ruộng, khu vực bìa rừng, khe dọc... để kịp thời phát hiện sớm, triển khai ngay các biện pháp phòng trừ ngay ở diện hẹp, không để phát sinh thành dịch. Các địa phương chủ động xây dựng, triển khai phương án phòng trừ, huy động nguồn lực tại chỗ để phòng trừ đồng loạt bằng các biện pháp tổng hợp, không để phát tán gây hại trên diện rộng.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với phòng chuyên môn của UBND các huyện, thành phố nắm tình hình phát sinh gây hại và phân công cán bộ chuyên môn trực tiếp về cơ sở hướng dẫn biện pháp phòng trừ châu chấu tre trên cây trồng cho nhân dân, khoanh vùng không để châu chấu lan rộng.