Trong nội dung về xây dựng nông thôn mới, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045” nêu rõ: Tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản.
Tỉnh Quảng Trị phấn đấu đến năm 2025 có thêm 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng. Huyện Cam Lộ đã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trước năm 2025.
Mục tiêu quan trọng nhất và xuyên suốt trong xây dựng nông thôn mới được tỉnh Quảng Trị xác định là vì lợi ích của người dân. Để thực hiện được mục tiêu này, việc phát triển kinh tế dựa trên thế mạnh riêng có của từng địa phương là giải pháp then chốt, bởi kinh tế có phát triển mới nâng cao được thu nhập và đời sống vật chất của người dân đồng thời có nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng, thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục... qua đó nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Ngay sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2020, huyện Cam Lộ “bắt tay” ngay vào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025. Trước khi xây dựng nông thôn mới năm 2010, Cam Lộ là huyện thuần nông, người dân địa phương này chủ yếu làm kinh tế tự cung tự cấp với các cây trồng truyền thống như lúa, cao su, tràm và rau màu.
Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới 2010 – 2020, “bộ mặt” huyện thuần nông Cam Lộ đã đổi thay, khi đường bê tông trải dài đến từng ngõ xóm, những vùng chuyên canh cây trồng cho giá trị cao rộng lớn liên tục được xây dựng. Tất cả trường học đều đã đạt chuẩn quốc gia; 100% thôn đã xây dựng nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng phục vụ nhu cầu người dân; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 50 triệu đồng/người/năm.
sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, tưới tiêu.
Để có được kết quả này, từ năm 2010 - 2020 huyện Cam Lộ đã đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới; trong đó, ngân sách nhà nước gần 1.000 tỷ đồng, doanh nghiệp hơn 1.333 tỷ đồng, tín dụng trên 180 tỷ đồng, vốn lồng ghép gần 110 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 408 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn khác.
Ông Hồ Văn Hiếu, 65 tuổi, thôn An Bình, xã Thanh An, huyện Cam Lộ chia sẻ, người dân đã thực sự được hưởng thụ thành quả trong xây dựng nông thôn mới khi cơ sở hạ tầng, giao thông, thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng phục vụ đi lại, sản xuất và đời sống tinh thần. Thu nhập người dân cũng được cải thiện rõ rệt khi đưa những giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật và liên kết với doanh nghiệp.
Từ năm 2021 – 2025, huyện Cam Lộ tiến hành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, tức là nâng cao các tiêu chí đã đạt được, nhất là khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của từng địa phương để phát triển kinh tế, tiếp tục nâng cao thu nhập và đời sống người dân. Có thế mạnh về trồng cây dược liệu nên huyện Cam Lộ xác định, xây dựng vùng nguyên liệu loại cây này gắn phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) là hướng đi đột phá trong việc tăng nhanh thu nhập cho người dân.
Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cam Lộ Trần Kiêm Tiến cho biết, Cam Lộ đã xây dựng được vùng chuyên canh cây dược liệu lớn nhất Quảng Trị với khoảng 150 ha cây dược liệu các loại như chè vằng, cà gai leo, an xoa, quế. Địa phương đang hướng đến trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh với khoảng 500 ha vào năm 2025.
Việc phát triển vùng chuyên cây dược liệu ở Cam Lộ không chỉ dừng lại ở việc bán nguyên liệu thô, mà đã có sự liên kết chặt chẽ giữa bà con nông dân với doanh nghiệp để thu mua, chế biến thành nhiều sản phẩm và xuất khẩu sang thị trường lớn như Mỹ, châu Âu. Do đó Cam Lộ là địa phương dẫn đầu tỉnh Quảng Trị khi có nhiều sản phẩm nhất được công nhận và xếp hạng trong OCOP.
Đáng chú ý, tất cả sản phẩm OCOP ở huyện Cam Lộ đã được xếp hạng “sao” đều chế biến từ các cây dược liệu. Trong số đó có các sản phẩm OCOP đạt “4 sao” như cao cà gai leo An Xuân, cao chè vằng Mai Thị Thủy, cao cà gai leo Lê Hồng Nhạn; các sản phẩm đạt “3 sao” như tinh chất dược liệu dưỡng da mẹ và bé Trường Sơn, dầu ăn cho bé Super Green, tinh bột nghệ vàng nguyên chất nghệ Cùa, cao cà gai leo Mai Thị Thủy.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh cho biết, những cây dược liệu cho giá trị kinh tế cao như an xoa, quế… được trồng và chế biến sâu ngay tại địa phương nhờ có sự liên kết giữa bà con nông dân với doanh nghiệp, tạo giá trị cao và bền vững. Ngoài phát huy tiềm năng về nông nghiệp, địa phương cũng chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đô thị, dịch vụ du lịch để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nhờ có lợi thế nằm cạnh thành phố Đông Hà và trên trục Quốc lộ 9 (Hành lang Kinh tế Đông – Tây), cao tốc đường bộ Bắc – Nam.
Các huyện ở vùng đồng bằng và ven biển gồm: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng cũng đang tập trung đầu tư nhằm đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025. Đến giữa tháng 11/2022, số xã của các huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Triệu Phong 14/17, Hải Lăng 12/15, Gio Linh 10/15, Vĩnh Linh 13/15. Đáng chú ý, một số xã trong những huyện này đã và đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Điển hình là ở huyện Vĩnh Linh đã có xã Vĩnh Thủy đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, xã Kim Thạch đang thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Để đạt được mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương này đã và đang tập trung huy động nguồn lực; dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất tạo điều kiện sản xuất nông nghiệp trên cánh đồng lớn theo hướng hàng hóa và ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhằm gia tăng giá trị trên một đơn vị diện tích; chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với sản phẩm OCOP; tổ chức liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp để tiêu thụ và chế biến sản phẩm.
Các địa phương cũng tăng cường đào tạo nghề, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho xã khó khăn ở vùng ven biển, miền núi; nhất là về đường giao thông, trường học, trạm y tế.
Tuy nhiên trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương cũng gặp khó khăn như nguồn lực hạn chế, một số tiêu chí đạt được nhưng chưa bền vững. Theo đại diện lãnh đạo huyện Triệu Phong, khó khăn trong xây dựng nông thôn mới hiện nay là về nguồn vốn đầu tư để sớm hoàn thiện các tiêu chí. Trong khi đó hệ thống hạ tầng, thủy lợi, đường giao thông… thường xuyên bị xuống cấp và hư hỏng do lũ lụt hàng năm nên cũng cần nguồn vốn lớn để sửa chữa và nâng cấp.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, ngoài nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, tỉnh Quảng Trị dành khoảng trên 484 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới; trong đó, ngân sách tỉnh hơn 398 tỷ đồng đồng, còn lại ngân sách cấp huyện, xã. Ngoài ra, tỉnh còn lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình khác. Theo đó, giai đoạn từ năm 2022 - 2024, tỉnh đầu tư 85 tỷ đồng xây dựng 96 phòng học các cấp, tập trung tại các địa phương khó khăn ở các huyện: Gio Linh, Vĩnh Linh, Hướng Hóa, Đakrông, Triệu Phong, Cam Lộ, Hải Lăng.
Giai đoạn 2022 - 2026, tỉnh đầu tư trên 217 tỷ đồng; trong đó, hơn 99 tỷ đồng là vốn Trung ương hỗ trợ, 31 tỷ đồng là ngân sách tỉnh, số vốn còn lại huy động từ nguồn xã hội hóa để xây dựng mới 3.152 nhà ở cho hộ nghèo. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2026 cơ bản không còn hộ nghèo ở nhà tạm bợ xuống cấp.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, xây dựng nông thôn mới là hành trình chỉ có khởi đầu nhưng không có kết thúc. Do đó, tuyên truyền vận động người dân hiểu, đồng thuận và cùng tham gia thì xây dựng nông thôn mới sẽ sớm thành công.