Nghệ An thông qua dự thảo đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố Vinh

1 năm trước 113
Chú thích ảnhThành phố Vinh, Nghệ An đang được xây dựng để trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng Bắc Trung bộ. 

Đây cũng là vấn đề được nhiều người dân trong tỉnh, đặc biệt là ở thành phố Vinh, huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò rất quan tâm, theo dõi.

Theo đề án, phương án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Vinh là điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số hiện có của thị xã Cửa Lò và 4 xã Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong (huyện Nghi Lộc) về thành phố Vinh quản lý.

Kết quả sau khi điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Vinh là tỉnh Nghệ An không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số, nhưng thay đổi về số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc và đơn vị hành chính cấp xã.

Cụ thể, toàn tỉnh có 20 đơn vị hành chính cấp huyện (giảm 1 đơn vị là thị xã Cửa Lò); có 460 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 407 xã, 36 phường và 17 thị trấn). Trong đó, thành phố Vinh có 166,24 km2 diện tích tự nhiên, dân số 575.718 người, 36 đơn vị hành chính cấp xã; huyện Nghi Lộc có 313,18 km2 diện tích tự nhiên, dân số 206.042 người, 25 đơn vị hành chính cấp xã.

Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An cho biết sự cần thiết điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Vinh là theo phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 tại Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, xác định xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ về tài chính, thương mại - du lịch, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo; cùng với Cửa Lò phát triển thành cực tăng trưởng kinh tế và mũi nhọn tăng trưởng của tỉnh.

Mặt khác, ngày 14/1/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 52/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với tính chất và chức năng đô thị thành phố Vinh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và đầu mối giao lưu của tỉnh Nghệ An. Đầu tàu tăng trưởng và giải quyết các nhiệm vụ trọng yếu về phát triển kinh tế của tỉnh Nghệ An và vùng Bắc Trung Bộ; là đô thị loại I, trung tâm của vùng Bắc Trung bộ về các lĩnh vực tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo.

Tiếp đó, ngày 12/6/2020, Thủ tướng chính phủ ký Quyết định số 827/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ đến năm 2023 theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị với quan điểm phát triển thành phố Vinh đặt trong mối quan hệ tổng thể, đảm bảo gắn kết chặt chẽ với các huyện, thị trong tỉnh, các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ và giữ vai trò đầu tàu trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội; phát triển thành phố Vinh bao gồm thị xã Cửa Lò và một số xã phụ cận thuộc Hưng Nguyên, Nghi Lộc trở thành thành phố hiện đại, văn minh và giàu mạnh.

Việc điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Vinh sẽ có những tác động tới nhiều lĩnh vực của thành phố, thị xã Cửa Lò và huyện Nghi Lộc. Trên lĩnh vực quản lý Nhà nước, Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An cho biết, mặt tích cực đó là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu thực tiễn, gắn liền với thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và thực hiện chế độ tiền lương mới (giảm được đầu mối cơ quan hành chính nhà nước, cụ thể là cấp huyện).

Sau khi sắp xếp, với lượng công chức phù hợp sẽ nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, góp phần phục vụ nhân dân tốt hơn. Bộ máy hành chính nhà nước mới có thể đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công cho người dân, cũng như thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, cũng có những hạn chế, đó là sẽ gây xáo trộn và ảnh hưởng đến quyền lợi của một bộ phận người dân và các địa phương.

Một số diện tích và dân cư của thị xã, huyện được nhập về thành phố Vinh sẽ ảnh hưởng đến một số tiêu chuẩn phân loại đơn vị hành chính, ảnh hưởng đến ngân sách xây dựng hạ tầng, kinh tế - xã hội của địa phương đó.

Công tác giải quyết các thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân; các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn phải kê khai thay đổi lại địa chỉ mới cho phù hợp, các giấy tờ sở hữu liên quan cũng phải thay đổi. Việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công là trụ sở, nhà, đất của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thị xã Cửa Lò sau khi sáp nhập vào thành phố Vinh dự kiến cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc giải quyết số cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp gặp khó khăn do đa số đã được chuẩn hóa theo quy định…

Nguồn bài viết