Na Uy xây dựng cơ sở để chôn CO2 dưới đáy biển

2 năm trước 220
Chú thích ảnhNa Uy bắt đầu xây dựng cơ sở bơm CO2 hóa lỏng xuống dưới đáy biển. Ảnh: AFP

Theo hãng tin AFP, trong tương lai, hệ thống này sẽ bơm hàng tấn CO2 hóa lỏng được thu giữ từ các ống khói của các nhà máy trên khắp châu Âu xuống dưới đáy biển. Dự án ở khu đô thị phía tây Oygarden nhằm ngăn chặn khí CO2 xâm nhập vào khí quyển và làm Trái đất nóng lên.

Giám đốc dự án Sverre Overa cho biết đây là cơ sở hạ tầng lưu trữ và vận chuyển mở đầu tiên trên thế giới, cho phép khí thải CO2 được xử lý, vận chuyển an toàn và sau đó là lưu trữ vĩnh viễn.

Trong bối cảnh chính quyền các nước chật vật đạt mục tiêu khí hậu, một số chuyên gia cho rằng công nghệ CCS, hay còn gọi là thu giữ và lưu trữ carbon, sẽ góp phần làm giảm khí thải từ các ngành công nghiệp liên quan đến nhiên liệu hóa thạch.

Na Uy là nhà sản xuất hydro carbon lớn nhất Tây Âu, nhưng nước này cũng tự hào là quốc gia có triển vọng lưu trữ CO2 tốt nhất trên lục địa, đặc biệt là trong các mỏ dầu ở Biển Bắc đã cạn kiệt. Chính phủ đã tài trợ 80% cho cơ sở hạ tầng, đầu tư 1,7 tỷ euro để phát triển công nghệ này.

Một nhà máy xi măng và một nhà máy sản xuất chất thải thành năng lượng ở vùng Oslo là những cơ sở đầu tiên được tham gia dự án. Về mặt thương mại trong tương lai, các công ty nước ngoài có thể gửi CO2 đến đây để được chôn lấp một cách an toàn.

Cụ thể, các công ty năng lượng khổng lồ bao gồm Equinor, TotalEnergies và Shell đã thành lập một dự án có tên gọi Northern Lights. Đây là dịch vụ vận chuyển và lưu trữ CO2 xuyên biên giới đầu tiên trên thế giới dự kiến ​​ra mắt vào năm 2024.

Một đường ống sẽ bơm CO2 hóa lỏng vào các túi địa chất sâu 2.600 mét dưới đáy đại dương, và phần CO2 này sẽ ở đó mãi mãi.

Từ năm 2025, dự án này đảm bảo lưu trữ 800.000 tấn CO2 mỗi năm tại một nhà máy thuộc sở hữu của nhà sản xuất phân bón Na Uy Yara ở Hà Lan, sau đó số CO2 này sẽ được vận chuyển đến Oygarden và lưu trữ ở đó.

Trong ngày 30/9, hai công ty năng lượng - tập đoàn dầu khí khổng lồ Equinor của Na Uy và Wintershall Dea của Đức - đã công bố một dự án tương tự đưa carbon lưu trữ ở Đức đến Na Uy.

Nếu được xác nhận, Equinor và Wintershall Dea có thể xây dựng một đường ống dài 900 km kết nối cơ sở thu gom CO2 ở miền Bắc nước Đức với các địa điểm lưu trữ ở Na Uy vào năm 2032.

Sử dụng công nghệ CCS để hạn chế ô nhiễm carbon không phải là một ý tưởng mới, song do chi phí tốn kém nên công nghệ này chưa bao giờ được thực sự triển khai.

Một trong những cơ sở thu hồi carbon lớn nhất thế giới đặt tại nhà máy Petra Nova ở Texas (Mỹ) đã bị bỏ xó từ năm 2020 vì không đủ kinh phí duy trì hoạt động. Hiện trên thế giới chỉ còn một vài chục dự án CCS hoạt động.

Trong giai đoạn đầu, hệ thống Northern Lights có thể xử lý 1,5 triệu tấn CO2 mỗi năm, sau đó là từ năm đến sáu triệu tấn.

Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ trong lượng khí thải carbon hàng năm trên toàn châu Âu. Theo Cơ quan Môi trường Châu Âu, Liên minh châu Âu đã thải ra 3,7 tỷ tấn khí gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2020.

Nhiều chuyên gia khí hậu cảnh báo thu giữ carbon không phải là giải pháp mang tính quyết định cho cuộc khủng hoảng khí hậu.

Các nhà phê bình cảnh báo CCS có thể kéo dài thời gian khai thác nhiên liệu hóa thạch khi thế giới đang cố gắng hướng tới năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.

Nguồn bài viết